Bi hài mua “online” thiết bị phòng chống dịch
Mấy ngày nay, chị Bảo Ngọc, ở phố Điện Biên Phủ quyết định ở nhà và đặt mua khẩu trang y tế bán trên mạng. Chị giải thích, giờ nếu có ra các cửa hàng cũng không mua được khẩu trang “xịn” vì nó đang rất khan hiếm. Thế rồi, bật máy, chị không khỏi vui sướng khi thấy có người rao khẩu trang y tế, giá cả rất hợp lý với mức chỉ có 278.000 đồng/50 chiếc. Không ngần ngại, chị đặt mua liền 10 hộp để chia cho cả gia đình. Ba ngày sau, nhận được hàng, rất cẩn thận, chị Ngọc bóc ra xem thì mới tá hỏa chỉ có vài cái khẩu trang ở lớp trên, còn phía dưới là vải vụn, có hộp toàn là lá chuối. Chị tức tốc liên hệ lại nhưng mọi địa chỉ liên lạc đều bị chặn đứt. Chị Ngọc ngậm ngùi, chỉ biết lấy bài học của mình để chia sẻ, cảnh báo mọi người.
Không chỉ mặt hàng khẩu trang, dung dịch/bột khử khuẩn CloraminB, thiết bị đo thân nhiệt điện tử xách tay cũng đang được rao bán trôi nổi trên mạng xã hội, thậm chí tại một số cơ sở cung ứng thiết bị y tế trên địa bàn thành phố. Qua khảo sát thị trường này cho thấy, hiện có 2 loại đo thân nhiệt. Một là dụng cụ đo đơn giản bằng thủy ngân, chủ yếu do Trung Quốc sản xuất, phù hợp dùng cho cá nhân, song dễ vỡ, giá thành khá rẻ (hơn 10 nghìn đồng/chiếc), thời gian cho kết quả lâu (khoảng 60 giây), nguồn hàng phong phú. Còn thiết bị đo thân nhiệt điện tử, phù hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, làm bằng vật liệu chắc chắc, giá thành cao, thời gian cho kết quả nhanh (từ 1 đến 10 giây tùy loại). Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, các đơn vị cung cấp thiết bị đo thân nhiệt điện tử nhập khẩu chính hãng (có bảo hành) tạm thời “cháy hàng”. Một số cơ sở, người buôn bán onlibne có bán nhưng là hàng xách tay, không có bảo hành và mỗi nơi một giá.
Kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm
Được biết ngay từ đầu tháng 2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng đã sớm triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ vào nguồn tin của người dân cũng như qua kiểm tra thông tin trên mạng xã hội, ngày 2-2, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra và xử lý đối với 2 cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Đó là nhà thuốc Kim Thoa tại địa chỉ số 23A Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất lý đối với mặt hàng khẩu trang y tế Lợi Thành. Cơ sở này đã bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng và buộc nộp ngân sách nhà nước là 6 triệu đồng. Tiếp đó là cửa hàng siêu mỹ phẩm Phương Vĩ , ở số 264B Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân cũng đã bán khẩu trang y tế với giá cao hơn so với giá niêm yết trên sản phẩm, và đã bị xử phạt hành chính số tiền là 7,5 triệu đồng.
Cùng với đó, ngày 2-2, theo phản ánh của người dân về những sai phạm cửa hàng thiết bị y tế-Công ty TNHH Thương mại Viên, ở số 38A Kỳ Đồng, quận Hồng Bàng, Đội QLTT số 5 cũng đã kiểm tra, phát hiện tại đây bán khẩu trang y tế với giá cao hơn giá niêm yết. Cơ sở đã bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định với số tiền phạt 15 triệu đồng.
Tính đến 1-4, lực lượng QLTT thành phố đã xử lý 69 vụ việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 với tổng số tiến xử phạt là trên 86 triệu đồng. Riêng ngày 1-4, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 6 vụ việc vi phạm.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng cho biết: Do nắm bắt, bám sát tình tình thị trường, Cục QLTT thành phố đã chủ động chỉ đạo xây dựng phương án, tập trung toàn bộ lực lượng của Cục để triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn trên địa bàn. Cùng với đó, Cục đã kịp thời tuyên truyền phố biến pháp luật, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết bán hàng đảm bảo chất lượng và đúng giá niêm yết, nghiêm cấm hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Đến nay đã có 578 cơ sở thực hiện ký cam kết. Từ kết quả trên, Cục QLTT thành phố đang tiếp tục tập trung toàn lực lượng thực hiện giám sát chặt chẽ việc kinh doanh các mặt hàng trên tại cơ sở.
Liên quan đến công tác thanh, kiểm tra kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tiến Sơn cho biết thêm: Sở cũng vừa phối hợp Cục QLTT và các đơn vị liên quan trong thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên. Ngoài ra, Sở Y tế cũng chủ động làm việc với một số công ty dược, nhà cung ứng thuốc vật tư, hóa chất để bảo đảm nguồn cung ứng hoạt động phòng, chống dịch nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố với giá cả bình ổn. Sở yêu cầu các đơn vị cam kết, thực hiện bán giá đúng so với giá trị thực tế. Được biết, đại diện các Công ty TNHH Hoàng Oánh, Công ty CP thiết bị y tế Hải Phòng, Công ty dược phẩm Hải Phòng, Công ty dược phẩm Trung ương Codopha và hệ thống hiệu thuốc Hải Phòng đều đã cam kết bán hàng rõ nguồn gốc, bình ổn giá….
Xuân Hạ
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More