Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Song, khi các công trình này hoàn thành mới bị phát hiện, xử lý.
Nhiều công trình xây dựng trái phép
Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Kiến Thụy, Trần Quốc Toản – Tổ trưởng Tổ công tác của UBND huyện về giải quyết vi phạm trật tự xây dựng ở xã Ngũ Phúc cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 1 vụ xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp. Đây là vi phạm nghiêm trọng do Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc làm trái quy định về quản lý đất đai trong việc ký các hợp đồng cho thuê đất công ích không đúng đối tượng, thẩm quyền và mục đích sử dụng đất. Từ đó, bà Nguyễn Thị Thảo, chủ doanh nghiệp tư nhân người được thuê đất xây dựng 3 nhà xưởng trái phép trên hơn 6,8 nghìn m2 đất nông nghiệp tại địa phương. UBND huyện Kiến Thụy cách chức Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, Nguyễn Đức Toàn vào tháng 8-2018. Đồng thời, xử phạt hành chính bà Thảo 65 triệu đồng và yêu cầu chủ doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình vi phạm trả lại hiện trạng đất ban đầu. Song, trên diện tích đất kể trên, đến nay, 3 nhà xưởng sản xuất giày dép bị đóng cửa để chờ UBND huyện Kiến Thụy xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của thành phố.
Tháng 9-2018, qua điều tra đơn thư bạn đọc, Báo Hải Phòng phản ánh 1 cơ sở tư nhân do anh Hoàng Văn Đoàn làm chủ xây dựng xưởng chế biến cau đen tự phát trên đất nông nghiệp tại xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên). Điều đáng nói, dù biết cơ sở xây dựng xưởng trái phép, nhưng chính quyền địa phương không xử lý, ngăn chặn triệt để. Chỉ đến khi người dân bức xúc phản ánh hoạt động gây ô nhiễm môi trường của xưởng chế biến cau này, UBND xã Cao Nhân mới có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của UBND huyện Thủy Nguyên. Còn tại khu An Tràng, thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão), nhiều năm nay, 50 công trình, nhà xưởng mọc lên san sát trên khoảng 16 ha đất nông nghiệp. Khu đất này thuộc địa giới hành chính do UBND thị trấn Trường Sơn quản lý, nhưng việc canh tác, sử dụng lại giao cho người dân ở phường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An), nên dẫn đến vi phạm trên kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Hiện, UBND thị trấn Trường Sơn khắc phục hậu quả này thông qua việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của toàn bộ khu đất trên thành đất ở.
Nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy).
Tại quận Hải An và các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương… đều xảy ra tình trạng xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp và bị các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, phần lớn các nhà xưởng xây dựng xong thì chính quyền địa phương mới phát hiện và lúng túng trong xử lý, khiến người dân bức xúc, phát sinh đơn thư khiếu kiện phức tạp. Không chỉ vậy, cán bộ địa phương bị xử lý, kỷ luật do chưa quản lý chặt về đất đai như ở xã Ngũ Phúc. Các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng khi bị cưỡng chế, tháo dỡ công trình.
Xử lý ngay từ khi vi phạm
Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai (Sở Tài nguyên – Môi trường) Phạm Quang Thành cho biết: Nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại một số địa phương là do sự buông lỏng của chính quyền cơ sở. Khi cơ quan chức năng phát hiện trường hợp sai phạm hoặc phản ánh của báo chí, công dân, một số địa phương còn che giấu. Vừa rồi, thành phố chỉ đạo các địa phương báo cáo về tình trạng này, nhưng đến nay, có nơi báo cáo, có nơi chưa báo cáo, do đó, Chi cục chưa có thống kê đầy đủ về các trường hợp xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, các quận, huyện đều có tình trạng này. Nếu ngay từ ban đầu, các địa phương xét thấy các nhà xưởng xây trên đất không phù hợp quy hoạch hay chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép xây dựng và kiên quyết ngăn chặn xử lý, thì các tổ chức, cá nhân không có cơ hội sai phạm. Mặt khác, không thể phạt hành chính các sai phạm rồi cho phép sử dụng nhà xưởng, mà chính quyền cơ sở phải kiên quyết xử lý để răn đe, chấm dứt tái diễn vi phạm này.
Tuy nhiên, hiện nay, các công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hầu hết là của các doanh nghiệp có giá trị lên đến hàng tỷ đồng, như 3 nhà xưởng ở xã Ngũ Phúc. Việc tháo dỡ nhà xưởng vi phạm sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Bùi Đức Thảo cho biết: Diện tích đất của chị Nguyễn Thị Thảo thuê của UBND xã Ngũ Phúc thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở nguyện vọng của chủ doanh nghiệp là được đấu giá, sử dụng đất trên để sản xuất giày da, UBND huyện báo cáo thành phố xem xét. Nếu được tham gia đấu giá và trúng đấu giá, doanh nghiệp được phép sử dụng 3 nhà xưởng trên. Còn nếu doanh nghiệp không trúng đấu giá, quan điểm của UBND huyện kiên quyết xử lý cưỡng chế nhà xưởng để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Hiện nay, các huyện đang có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ và vừa về ngoại thành đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên một phần lỗi do các địa phương không hướng dẫn đầy đủ đối với các doanh nghiệp về thủ tục thuê đất, cấp phép xây dựng đúng quy định. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng của các huyện và UBND các xã có trách nhiệm hơn về vấn đề này bằng việc hướng dẫn đầy đủ, cụ thể cho các doanh nghiệp khi được thuê đất. Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai ở ngay chính xã, phường cần phải sát sao hơn để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm ngay từ ban đầu.
Bùi Hương – Báo Hải Phòng 22/10/2018
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More