Pháp luật

Kiểm tra nồng độ cồn, ngăn ngừa tai nạn đường sắt: Đã lái tàu, không sử dụng rượu, bia

Bắt đầu từ tháng 4 này, lượng khách du lịch đến Hải Phòng có xu hướng gia tăng, nhất là du khách foodtour đi tàu hỏa trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng. Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, lực lượng cảnh sát giao thông chủ động kiểm tra lỗi vi phạm nồng độ cồn đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt trong các ca làm việc.

Kiểm tra các vị trí việc làm

Các chuyến tàu Hà Nội-Hải Phòng vào các ngày cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật hầu như không còn chỗ trống. Hiện tại, mỗi ngày có 4 đôi tàu chở khách hoạt động trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng, chở khoảng 600 lượt khách mỗi chuyến. Dự báo, lượng khách đến Hải Phòng tiếp tục tăng nhất là gần đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây. Theo thống kê của Ga Hải Phòng, hiện số lượng khách về Hải Phòng bằng tàu hỏa tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do lịch trình đi lại thuận tiện, giá vé rẻ và tàu sạch sẽ, văn minh.

Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, tránh xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc, từ ngày 1/3, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) thực hiện Kế hoạch 146/KH-CAHP-PC08 ngày 24/2/2023 của Công an thành phố về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma tuý, vi phạm nồng độ cồn”. Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên và kéo dài đến hết năm 2023. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung cán bộ chiến sĩ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra việc chấp hành quy định về nồng độ cồn đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu ở 9 vị trí chức danh được quy định theo điều 35 Luật Giao thông đường sắt, gồm: Trưởng tàu; lái tàu, phụ lái tàu; nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, tàu ga; trực ban chạy tàu ga; trưởng đồn; nhân viên gác ghi; nhân viên nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường; nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

Trung tá Vũ Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt) cho biết: Hiện có khoảng 200 nhân viên ngành đường sắt đang làm việc trên địa bàn thành phố ở nhiều đơn vị, nhiều vị trí khác nhau. Do đó, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chấp hành quy định về nồng độ cồn của nhân viên đường sắt trong ca trực, đơn vị tổ chức thành nhiều tổ công tác, duy trì kiểm tra đột xuất tại nhiều vị trí việc làm ngành đường sắt. Trong đó, tập trung vào đội ngũ nhân viên lái tàu, phụ lái tàu ở Ga Hải Phòng, nhân viên trực ban chạy tàu ở Ga trung chuyển Thượng Lý, các ga tránh Vật Cách, Dụ Nghĩa. Cùng với đó, nhân viên gác ghi, gác chắn ở 32 đoạn có đường ngang cũng là nhóm ưu tiên kiểm tra nồng độ cồn trong cơ thể.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của nhân viên ngành đường sắt đang phục vụ việc chạy tàu.

Thường xuyên tuyên truyền và kiểm tra đột xuất

Ghi nhận thực tế của phóng viên vào đợt kiểm tra nồng độ cồn đối với nhân viên đường sắt chiều 28/3 tại Ga Hải Phòng cho thấy, cán bộ, nhân viên ngành đường sắt nâng cao ý thức, nghiêm túc thực hiện theo hiệu lệnh kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, không có hiện tượng chống đối như một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ. Qua kiểm tra nồng độ cồn với lái tàu, phụ lái tàu LP8 của Xí nghiệp đầu máy Yên Viên (Hà Nội) và đội ngũ nhân viên điều độ chạy tàu, dẫn máy, gác ghi tại Ga Hải Phòng đều chấp hành đúng quy định, không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn dù chỉ lượng cồn nhỏ.

Sau 1 tháng kiểm tra, cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp nhân viên ngành đường sắt đang phục vụ chạy tàu vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trưởng ga Hải Phòng Đặng Tiến Mạnh cho biết: Do vận chuyển đường sắt là một loại hình giao thông đặc biệt, không có phương tiện di chuyển song song. Tất cả những điểm dừng, tránh đều được bố trí khu vực nhà ga chuyên biệt. Các thiết bị cơ bản hoạt động tự động hoàn toàn, các vị trí công tác chủ yếu làm nhiệm vụ điều khiển thiết bị hệ thống, bao gồm cả lái tàu, kéo chắn, gác ghi… Do đó, đây có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới sự chủ quan trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt của đội ngũ nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu. Chỉ một lỗi vi phạm nhỏ của bất kỳ cá nhân nào cũng có thể dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, Ban quản lý Ga Hải Phòng nói riêng, các đơn vị hoạt động trong ngành đường sắt trên địa bàn thành phố nói chung đều quán triệt nghiêm túc, xác định hoạt động kiểm tra này là biện pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông đối với nhân viên trong ngành. Cùng với đó, lãnh đạo các đơn vị cũng duy trì kiểm tra chéo đội ngũ nhân viên trong ca trực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn./.

Bài và Ảnh: Minh An

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 6-8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ…

08/01/2025

Tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025

Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…

08/01/2025

Di chuyển thiết bị cẩu tại Cảng Hoàng Diệu phục vụ thi công cầu Nguyễn Trãi

Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…

08/01/2025

Không khí lạnh tăng cường, vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…

08/01/2025

Bộ Giáo dục chốt phương án thi tuyển vào lớp 10 THPT

Từ năm 2025 sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm:…

08/01/2025

Biểu dương “Sinh viên 5 tốt” và “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố năm 2024

Tối 7/1, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố tổ chức chương…

07/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More