Print Thứ Sáu, 18/10/2019 08:26

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT TPHCM lập kế hoạch, tổ chức các đợt kiểm tra khí thải lưu động đối với xe ôtô còn thời hạn đăng kiểm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện, giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc này cần làm đồng bộ với siết chặt quản lý ngay từ công tác đăng kiểm tại các trung tâm và phải hết sức tránh lợi dụng chủ trương để gây phiền hà, nhũng nhiễu các chủ xe.

Cách thức triển khai ra sao?

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trước mắt, sẽ tập trung kiểm tra đối với các xe buýt, ôtô khách, xe tải xả khói đen tại Hà Nội và TPHCM. Theo đó, khi kiểm tra xe ôtô còn thời hạn đăng kiểm nếu phát hiện khí thải xe có thành phần ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ lập biên bản, yêu cầu chủ xe khắc phục. Sau đó, phương tiện phải đến trung tâm đăng kiểm để kiểm tra lại khí thải, nếu đạt tiêu chuẩn khí thải được cấp lại tem, giấy chứng nhận kiểm định để tiếp tục tham gia giao thông.

Lý giải hoạt động này, theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc kiểm tra đột xuất sẽ buộc các chủ phương tiện tuân thủ việc bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì mức phát thải giữa hai kỳ kiểm định. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, quy định mới không ảnh hưởng nhiều đến xe cũ đang tham gia giao thông, vì các xe này khi trải qua quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế và kiểm định có thể đạt tiêu chuẩn để hoạt động bình thường.

Nhằm xây dựng cơ chế, chính sách hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nâng cao hiệu quả quản lý phát thải chất gây ô nhiễm từ xe cơ giới tham gia giao thông, Bộ GTVT đã xây dựng các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, áp dụng công nghệ xử lý khí thải. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chuyển đổi sang sử dụng phương tiện ít phát thải; ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải trên xe buýt nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, mới đây nhất, ngày 9.10, Trung tâm Quan trắc môi trường TPHCM đã công bố khí thải từ xe máy, ôtô là một trong 3 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại thành phố này. Do đó, kiểm tra, xử lý việc xả khí thải ra môi trường của các phương tiện là cần thiết. Vì ngoài kiểm tra định kỳ, cần kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh công tác đăng kiểm, đồng thời cũng chấn chỉnh các nhà xe quan tâm đến công tác bảo dưỡng phương tiện thường xuyên để đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có phát khí thải.

Cần xử lý đồng bộ từ gốc

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, hiện các phương tiện đã được kiểm tra đăng kiểm định kỳ, nhưng thực tế việc kiểm soát chất lượng phương tiện vẫn chưa tốt. Do đó, thay vì xử lý phương tiện ngay tại các trung tâm đăng kiểm, buộc phải thành lập đội liên ngành để kiểm tra xử lý đột xuất ngoài đường. Việc này là cần thiết nhưng cũng sẽ tạo ra sự không tin cậy đối với đăng kiểm, cùng đó cũng gây lãng phí và phiền phức cho chủ phương tiện và cả Nhà nước. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát đột xuất, cần phải siết chặt công tác đăng kiểm để giải quyết tận gốc.

Cần siết chặt công tác kiểm soát khí thải ngay từ các trung tâm đăng kiểm. Ảnh: Đ.T

Còn theo ông Nguyễn Văn Mão, chủ xe chạy tuyến Hải Hậu (Nam Định) – Giáp Bát (Hà Nội), để tránh tốn kém và phiền hà cho người dân, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt và làm nghiêm từ khâu đăng kiểm. Bởi vì những xe đã qua trạm đăng kiểm, kiểm định được phép lưu hành tức là xe đã đủ điều kiện để chạy trên đường. Việc thành lập các đội kiểm tra liên ngành riêng về khí thải phải rất chặt chẽ, tránh việc lợi dụng để có thể gây ra phiền phức cho lái xe và tranh cãi về mức độ chính xác của thiết bị đo lường.

Cũng theo ông Mão, hiện gần 90% lượng xe tải lớn, xe khách và xe buýt đang hoạt động trên thị trường sử dụng dầu diezen, do đó lượng khói từ phương tiện ra cao hơn xe chạy xăng. Tiếp đó, mỗi lái xe có cách chạy khác nhau, như chạy ép ga, ép côn gây khói vì dầu đốt không hết đã tạo ra khói. “Với các loại xe này thì sẽ xử lý như thế nào?”, ông Mão đặt câu hỏi.

Sẽ không làm ảnh hưởng đến luồng tuyến vận tải

Theo Trưởng phòng cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Anh Quân, việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng phượng tiện là việc làm thường xuyên. Việc kiểm tra này đảm bảo cho chủ phương tiện có trách nhiệm duy trì để thực hiện tốt hơn việc bảo dưỡng phương tiện giữa hai kỳ kiểm điểm theo quy định. Việc kiểm tra không ảnh hưởng tới luồng tuyến vận tải của các phương tiện vì chỉ kiểm tra trong thời gian rất ngắn tại các bến xe.

Bằng chứng là trong đợt kiểm tra theo định kỳ gần đây nhất, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiểm tra 50 xe khách tại 5 bến xe là Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm đã phát hiện 4 xe (tỉ lệ 8%) vi phạm về khí thải; 5 xe (tỉ lệ 10%) vi phạm về điều kiện dụng cụ thoát hiểm và thiết bị chữa cháy cũng không gây xáo trộn gì lớn. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lập biên bản xử lý, đồng thời đề nghị Giám đốc các bến xe, chủ xe tạm dừng phục vụ hành khách đối với các xe khách vi phạm, yêu cầu chủ xe sửa chữa khắc phục các lỗi vi phạm.

ĐẶNG TIẾN Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kiếm tra đột xuất khí thải ôtô: Rất cần thiết, nhưng phải phòng nhũng nhiễu
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác