Print Thứ Sáu, 15/03/2019 07:12

Saigon Co.op đang tăng tần suất kiểm soát, tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để bảo đảm thịt an toàn khi bán đến tay người tiêu dùng

Từ 8 giờ, quầy thịt heo của siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1, TP HCM) đông nghịt khách. Chị Trang, nhà gần siêu thị, cho biết hơn tháng nay chị chỉ dám mua thịt ở siêu thị này để chế biến các món ăn cho gia đình và khá yên tâm khi siêu thị cho biết thịt heo đang bán là thịt heo VietGAP.

“Mua thịt trong siêu thị cho yên tâm”

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, trung bình mỗi tuần, một hộ gia đình ở các đô thị lớn như TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội chi khoảng 1,1 triệu đồng để mua thực phẩm tươi sống. 14% trong tổng số tiền đó dùng để mua thịt heo. Còn theo Sở Công Thương TP HCM, trước khi dịch tả heo châu Phi lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phía Bắc và mới đây nhất là đến tỉnh Nghệ An, mỗi ngày, người dân TP tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, trị giá 2 triệu USD. Đến nay, 87% số heo tiêu thụ ở kênh chợ truyền thống, 13% ở kênh hiện đại (đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn…).

Những số liệu trên cho thấy thịt heo là một trong những loại thực phẩm phổ biến trong bữa cơm của người Việt Nam. Tuy nhiên, những ngày gần đây, thông tin dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan ít nhiều đã gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Hiện sức mua tại các điểm bán thịt heo tự phát và chợ dân sinh đã giảm rõ rệt. Bằng chứng là lượng thịt heo về 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền mỗi đêm đã giảm mạnh so với trước. Trong đó, ghi nhận tại chợ Hóc Môn, lượng thịt nhập chợ dao động ở mức 4.350 con/đêm, giảm khoảng 600 con so với trước khi xảy ra dịch và giảm đến 800 con/đêm so với bình quân 5.200 con/đêm trong năm 2018. Cũng vì sợ dịch bệnh, một bộ phận lớn người tiêu dùng có tâm lý vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm mua thịt “có thương hiệu” cho an toàn.

Khách hàng đang chọn mua thịt heo VietGAP tại siêu thị Co.opmart Ảnh: Minh An

Chị Minh Thảo, làm việc tại một công ty chuyên về truyền thông – sự kiện ở quận Bình Thạnh, cho biết chủ nhật rồi, nhà chị có tiệc họp mặt gia đình. Chín giờ, chị đã ghé Co.op Food gần nhà, dự định mua thịt ba rọi rút xương và xương ống để làm món gỏi cuốn và hầm nước lèo nấu lẩu nhưng đến nơi thì không còn miếng ba rọi nào, xương ống cũng vừa hết. Trong tủ kính chỉ còn vài miếng thịt nạc, thịt đùi cùng một số xương sống heo. Nghĩ rằng mình đến quá sớm, nhân viên đứng quầy chưa kịp pha lóc thịt ra bán, chị Minh Thảo hỏi mua những món mình cần thì được trả lời là đã hết do “nhiều khách không dám mua thịt heo bán ở chợ nên vào cửa hàng mua từ sớm”.

Theo ghi nhận của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết từ khi xuất hiện thông tin xảy ra dịch tả heo châu Phi, sức mua thịt heo tại hệ thống bán lẻ của đơn vị này gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đang tăng lên từng ngày. Riêng trong tuần rồi, tổng mức tiêu thụ thịt heo trong toàn hệ thống đã tăng trung bình hơn 20%. Cụ thể, trong các ngày giữa tuần, hơn 100 điểm bán của Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 45-50 tấn thịt heo, ngày cuối tuần lên đến 60-70 tấn.

Kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, ngay khi có thông tin về bệnh dịch, hệ thống đã ngay lập tức áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Bên cạnh việc tăng tần suất kiểm soát, hệ thống Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để bảo đảm thịt an toàn khi bán đến tay khách.

Cũng theo ông Kiên, hiện nay nguồn thịt heo đang bán tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín hàng đầu Việt Nam, điển hình có thể kể đến như VISSAN, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, Sagrifood… và hầu hết thịt heo từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP nên người tiêu dùng hoàn toàn an tâm.

Hiện tại, trước nguy cơ diễn biến dịch bệnh lan rộng, các tỉnh – thành khu vực phía Nam đang tập trung các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Riêng tại TP HCM, các cơ quan thú y, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tăng cường chốt chặn tại các cửa ngõ vào TP, “soi” kỹ từng xe chở heo từ các tỉnh vận chuyển về TP HCM để bảo đảm nguồn heo “sạch”, an toàn cho người dân TP cũng như không cho heo từ các tỉnh miền Bắc (bao gồm heo từ các tỉnh có dịch lẫn không có dịch) vào TP để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, đến nay chưa phát hiện con heo nào có biểu hiện của dịch tả heo châu Phi.

Về nguồn cung heo an toàn, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với các đơn vị cung ứng lớn như CP, Sagrifood, VISSAN… về phương án chuẩn bị nguồn hàng cho những tình huống xấu. Một số công ty đã lên kế hoạch giết mổ cấp đông dự phòng và khả năng nhập thịt đông lạnh để trong trường hợp xấu nhất, vẫn sẽ có phương án cung cấp thịt sạch, bảo đảm chất lượng, an toàn ra thị trường.

Cách phân biệt thịt heo không nhiễm bệnh

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, thịt heo khỏe an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, độ đàn hồi khi dùng tay nhấn vào miếng thịt tốt, không bị nhão, không bị rỉ nước. Còn thịt heo mắc bệnh hoặc thịt hư thường có lấm chấm xuất huyết, màu lạ như nâu xám, đỏ thâm, xanh nhạt, chạm tay vào miếng thịt đàn hồi kém và có cảm giác bị nhớt.

Chế biến thịt an toàn

Cũng theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, người dân nên mua thịt heo được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ ở những địa chỉ uy tín, chẳng hạn như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch. Đồng thời nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các loại thực phẩm từ thịt heo chưa được chế biến kỹ. Khi chế biến thịt heo, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không nên chế biến thịt chín tái, không nên để thịt đã qua chế biến trong hơn 2 giờ ở nhiệt độ phòng. Đặc biệt là không bỏ thịt vào nước đang sôi vì sẽ khiến các chất hóa học dễ dàng bị hấp thụ ngược lại vào bên trong miếng thịt.

Tấn Thanh – Minh Nhi

Nguồn. Người Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kiểm soát tốt nguồn thịt đưa vào bán ở siêu thị
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác