Tại điểm cầu Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hải Phòng.
Dịch bệnh COVID-19 đã lan ra hầu hết các nước trên thế giới, làm hàng triệu người mắc, hàng trăm ngàn người tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, sau hai tuần thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tốc độ gia tăng dịch bệnh đã chậm lại, số ca mắc chỉ bằng 40% so với hai tuần trước khi thực hiện Chỉ thị, hạn chế tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng và chưa có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và dự báo sẽ còn kéo dài. Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và bùng phát dịch còn cao, tiếp tục tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế – xã hội, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Nhằm thực hiện linh hoạt các biện pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và ổn định xã hội, tại hội nghị, đại biểu các Bộ ngành, tỉnh thành đóng góp ý kiến để triển khai công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã tham mưu cho Thủ tướng tiếp tục nghiên cứu ban hành một Chỉ thị mới về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình hiện nay. Theo Dự thảo, Chỉ thị sẽ bao gồm 2 nhóm biện pháp: nhóm biện pháp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc và nhóm biện pháp áp dụng cho từng nhóm: nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Các tỉnh thành phố có nguy cơ cao thực hiện biện pháp cao như Chỉ thị 16/CT-TTg, các tỉnh có nguy cơ thấp thực hiện các biện pháp như Chỉ thị 15/CT-TTg, về 16 tỉnh, thành phố có nguy cơ (trong đó có Hải Phòng) thực hiện như Chỉ thị 15/CT-TTg và một số biện pháp như Chỉ thị 16/CT-TTg tùy theo tình hình từng địa phương.
Điểm mới của Chỉ thị này là sẽ xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ, hay gọi cách khác là hệ thống xếp hạng nguy cơ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống này sẽ giúp đánh giá chính xác hơn tình hình dịch bệnh ở từng khu vực, thậm chí đến tận thôn bản, từ đó có thể áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp theo phân cấp, thẩm quyền.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố đã đóng góp 23 ý kiến bàn thảo chi tiết về các biện pháp trong Dự thảo. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nhất trí cao với Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Đồng thời đề nghị sửa đổi một số điểm như: đối với các biện pháp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc là không tổ chức các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng; tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao tại các công viên vui chơi giải trí. Về các biện pháp áp dụng đối với nhóm nguy cơ cao, đề nghị dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Đối với nhóm có nguy cơ, đề nghị giữ khoảng cách tối thiểu là 2m khi tiếp xúc thay vì 1m theo dự thảo; đồng thời dừng vận chuyển hành khách liên tỉnh. Đối với thẩm quyền và tổ chức thực hiện của Bộ Giao thông vận tải, Hải Phòng đề nghị hạn chế thấp nhất các chuyến bay quốc tế và nội địa để giảm nguy cơ dịch bệnh phát tán. Một số tỉnh thành tán thành đề xuất của thành phố Hải Phòng.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để đảm bảo mục tiêu “kép”, đề nghị các tỉnh thành phố trong thời điểm phòng chống dịch bệnh hiện nay cần quán triệt đồng thời 3 phương châm: nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, chung sống an toàn với dịch bệnh và thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực các vấn đề của xã hội.
Trong tổng thể việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo, Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương cần có giải pháp phù hợp chi tiết hơn đến từng địa bàn, nhóm ngành nghề, nhóm đối tượng, có những khu vực phải siết chặt, nhưng cũng có những khu vực cần nới lỏng để có không gian cho sản xuất và phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm, có nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội đã và đang có sự thay đổi song còn chậm và dịch bệnh chính là điều kiện để thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực trong toàn xã hội.
Ngoài 23 ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia và các địa phương tham gia ý kiến bằng văn bản gửi về cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo. Dự thảo Chỉ thị mới sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến vào ngày mai.
HẢI HẬU
Sáng 27/11, UBND quận Ngô Quyền phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý…
Chiều 27/11, diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc…
Sáng 27/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Liên đoàn Lao…
Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về phương án…
Gần 300 lượt người lang thang trên đường phố được thu gom vào các cơ…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More