Print Thứ năm, 10/10/2019 11:28

Thời gian qua, người dân kiến nghị ở nhiều quận, huyện về tình trạng ô nhiễm mùi diễn ra thường xuyên tại nhiều cơ sở sản xuất. Song hiện nay, việc kiểm soát, xử lý mùi hôi còn gặp nhiều vướng mắc.

Phát sinh nhiều kiến nghị

Gần đây, nhiều hộ dân ở các thôn: Đại Công, Trâm Khê thuộc xã Tiên Cường (huyện Tiên Lãng) phản ánh việc Nhà máy thuốc lá Devyt ở khu Quốc lộ 10 chế biến nguyên liệu thuốc lá, khi hoạt động phát tán mùi thuốc lá bao phủ toàn khu dân cư. Khi Sở Tài nguyênMôi trường kiểm tra chỉ xác định nhà máy này có kho chứa chất thải nguy hại, chưa bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định. Các vấn đề về xử lý chất thải, nước thải, khói bụi bảo đảm. Công ty có hệ thống túi lọc bụi, khí để giảm thiểu mùi… Do đặc điểm nhà máy cách khu dân cư chưa đầy 500m, tác động mùi đến khu dân cư rõ hơn. Để giảm thiểu việc phát tán mùi, Sở Tài nguyên-Môi trường yêu cầu công ty liên hệ với các đơn vị cung cấp thiết bị, xem xét bố trí lại hệ thống quạt thông gió.

Nhờ làm tốt việc xử lý khí thải mùi hôi, Công ty TNHH Việt Trường bảo đảm an toàn sản xuất, hạn chế ảnh hưởng môi trường.

Từ đầu năm đến nay, thông qua đường dây nóng, Tổng cục Môi trường tiếp nhận 32 phản ánh, kiến nghị về môi trường. Trong đó, gần 30 kiến nghị, phản ánh về tình trạng ô nhiễm mùi. Những cơ sở gây ra ô nhiễm mùi rất đa dạng, từ mùi bãi rác, cơ sở sản xuất nến thơm, mùi do sơn từ cơ sở sản xuất gỗ đến hoạt động đúc gang xả ra mùi khét… Song kết quả xử lý kiến nghị về ô nhiễm mùi chưa hiệu quả. Nhiều vụ việc người dân kiến nghị, phản ánh từ những năm 2017, 2018 nhưng đến nay chưa có kết quả giải quyết. Chẳng hạn, trường hợp cơ sở đúc gang, sản xuất bim bim ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên; cơ sở làm hạt nhựa ở khu A1, phường Hải Thành, quận Dương Kinh; xưởng làm hóa chất thuê đất của Xí nghiệp gạch Gò Công, xã An Tiến, huyện An Lão; xưởng làm nến ở số 100 khu Cành Hầu, phường Lãm Hà, quận Kiến An…

Việc xử lý ô nhiễm mùi gặp khó khăn có nguyên nhân do cơ chế, chính sách quản lý chưa rõ ràng. Trong đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Hải Phòng, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lê Thủy có ý kiến: việc quan trắc các thông số ô nhiễm mùi gặp nhiều khó khăn, bởi thành phần mùi, nồng độ mùi, nhiệt độ, lượng khí thải… có thể thay đổi ở từng phạm vi, thời điểm. Các tiêu chuẩn và hướng dẫn để đánh giá ô nhiễm mùi hiện nay còn thiếu, chủ yếu là theo cảm quan. Do vậy việc xác định nguồn gốc phát sinh mùi và đo đạc nồng độ mùi rất khó khăn. Công nghệ xử lý mùi phức tạp. Có không ít cơ sở đầu tư dây chuyền hiện đại nhưng vẫn không thể xử lý triệt để được mùi. Bởi vậy, nhiều cơ sở sản xuất phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để xử lý mùi.

Bên cạnh đó, còn doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ xử lý mùi phù hợp. Đặc biệt, là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp

Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải cho biết: “Trong sản xuất công nghiệp, mùi có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, từ nguyên liệu sản xuất, trong quá trình sản xuất, mùi sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải… Thành phần khí ô nhiễm gây mùi thường chứa nhóm các chất như: ammoniac, hydrosulfua… hay nhóm các chất hữu cơ như: thuốc bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ (metan, butan, benzen, xylen, xiclohexanon, toluen…) hoặc nhóm các chất rất khó định lượng, bay hơi ở điều kiện nhiệt độ thường: VOC (gồm nhiều chất hữu cơ bay hơi mà điển hình là nhóm các chất thuộc ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm… Do đó, việc xác định nguồn gốc và thành phần chất ô nhiễm là rất quan trọng, từ đó đề xuất các công nghệ xử lý phù hợp“.

Như trường hợp Công ty TNHH Việt Trường, ở Bến cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Trung Hiếu cho biết: “Trước đây, UBND quận tiếp nhận nhiều kiến nghị của người dân về mùi phát tán từ cơ sở sản xuất. Nhưng 2 năm gần đây, những kiến nghị, phản ánh gần như không còn do doanh nghiệp áp dụng công nghệ xử lý, kiểm soát mùi hiệu quả hơn”.

Công ty Việt Trường chuyên sản xuất chế biến surimi xuất khẩu, ngao đông lạnh và bột cá. Mùi hôi phát sinh chủ yếu từ công đoạn sản xuất bột cá và thức ăn thủy sản. Để khắc phục tình trạng này, công ty sử dụng thiết bị hấp thụ có công suất 40200 m3/giờ, được lắp đặt bên ngoài xưởng sản xuất bột cá và thức ăn thủy sản. Đồng thời, hệ thống quạt lấy gió và dẫn gió ra hệ thống xử lý mùi đều có lưới để lọc, giảm bớt khí thải có mùi phát tán ra ngoài. Cửa ra vào bố trí quạt cắt gió có tác dụng ngăn không khí trong phòng có mùi phát tán ra ngoài. Đến nay, tình trạng mùi hôi phát tán rộng ra khu dân cư hạn chế, mức độ không còn đậm đặc. Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tình trạng mùi hôi của Công ty Việt Trường sẽ được giải quyết triệt để hơn nữa nếu doanh nghiệp thay thế việc tận dụng xương cá để làm bột cá bằng việc ủ xương cá tạo ra khí để làm ra điện, phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, việc xử lý mùi hôi dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện được khi doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, áp dụng công nghệ phù hợp. Do đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn những công nghệ sản xuất phù hợp; đồng thời, xử lý nghiêm doanh nghiệp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

Bài: Nguyên Mai; Ảnh: Hoàng Phước

Nguồn. Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kiểm soát tình trạng ô nhiễm mùi: Áp dụng công nghệ ngăn chặn phát tán mùi
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác