Kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới: Để không còn những vụ tai nạn đau lòng

Mới đây, người dân thành phố bàng hoàng trước thông tin người điều khiển xe ô tô bán tải gây vụ tai nạn giao thông (TNGT) rất nghiêm trọng tại huyện Kiến Thụy khiến 2 em học sinh tử vong. Không những thế, chiếc xe này còn đâm tiếp vào xe ô tô tải và  xe ô tô con mới chịu dừng lại. Kết quả kiểm tra (sau 4 giờ gây tai nạn) cho thấy, người lái xe có nồng độ cồn trong khí thở cao.

Lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn trong khí thở.

Muôn kiểu “né” chốt kiểm soát

Việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới là việc làm thiết thực góp phần ngăn chặn TNGT. Trên các tuyến đường, các đội, các trạm cảnh sát giao thông (CSGT) phụ trách đều triển khai kiểm soát nồng độ cồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử lý khá khó khăn, người vi phạm thường tránh né. Đại úy Hoàng Tuấn Anh, đội phó Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt-Công an thành phố) cho biết, khi thực hiện chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn, tình trạng đổi lái xe diễn ra khá phổ biến. Khi đến gần chốt kiểm tra, người lái chuyển sang bên cạnh, người bên cạnh đổi sang vị trí lái rồi ung dung qua chốt. Có lần phát hiện xe dừng lại, tổ công tác ập đến, người lái đã đổi xong. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng CSGT khi thực hiện chuyên đề kiểm soát, có người đứng chốt từ xa, sử dụng camera chuyên dụng theo dõi, giám sát. Vì vậy, trong những đợt ra quân kiểm tra nồng độ cồn gần đây, việc đổi lái cơ bản không còn…

Một trong những cách “né” chốt kiểm soát nồng độ cồn được sự tiếp tay của các quán ăn. Chủ quán cho nhân viên dò la chung quanh. Nếu có chốt kiểm tra sẽ về quán báo với thực khách chờ giờ hoặc hướng dẫn đi đường khác để tránh bị kiểm tra. Nắm được “quy luật” hoạt động của các chốt kiểm tra nồng độ cồn, một số quán ăn trên đường Lê Hồng Phong hướng dẫn thực khách có sử dụng bia, rượu cách phòng tránh như ngồi uống đến khuya hoặc chỉ đường an toàn. Cách khác là liên hệ với một số lái xe taxi thuê lái xe qua chốt kiểm tra. Vì thế, khi kiểm tra nồng độ cồn, CSGT thấy lái xe taxi còn mặc nguyên áo đồng phục, lái những loại xe sang như: Lexus, Range rover, Santafe…CSGT biết rõ là lái xe thuê với mục đích qua chốt, nhưng không thể xử phạt vì quy định chỉ kiểm tra người điều khiển phương tiện.

Không những vậy, việc thông báo những khu vực CSGT đang tổ chức kiểm tra nồng độ cồn vẫn khá phổ biến trên một số trang mạng xã hội. Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, việc lập chốt kiểm soát nồng độ cồn thực hiện theo đúng quy định. Tuy vậy, không thể tránh khỏi việc người dân nhìn thấy, gọi điện thông báo cho bạn bè, người thân. Thậm chí có những chốt lập ở bên này đường, ở bên kia đường người dân quay phim, chụp ảnh gửi cho nhau. Vì thế, kiểm soát nồng độ cồn chưa triệt để khi công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, địa phương chưa cao. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, nhắc nhở và cảnh cáo đối với những hành vi này. Đó cũng là cách người dân giúp lực lượng chức năng thực thi công vụ hiệu quả cao, bảo đảm an toàn giao thông cho chính họ và người thân, quen.

Quan tâm khu vực nông thôn

Hiện nay, việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong khu vực nội thành khá nghiêm nhưng khu vực nông thôn còn bị bỏ ngỏ. Theo Ban An toàn giao thông thành phố, trong tổng số 99 vụ TNGT năm 2017, có tới 67 vụ xảy ra ở khu vực nông thôn, chiếm 75,28% số vụ. Số người chết cũng gấp gần 4 lần so với khu vực nội thành. Vụ TNGT mới đây cướp đi sinh mạng của 2 học sinh nhỏ tuổi cũng xảy ra tại khu vực nông thôn… Có thể thấy, khu vực nông thôn đang là điểm nóng về an toàn giao thông, cần có giải pháp xử lý kịp thời.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình hình giao thông sẽ càng phức tạp do lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng nhanh, việc sử dụng bia, rượu khó lường vì cuối năm ở các vùng quê có rất nhiều đám cưới, đám giỗ tổ hoặc khánh thành nhà, từ đường… Để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia, rượu đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, Công an thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố cần trang bị dụng cụ kiểm tra và chỉ đạo Công an các huyện tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung cao công tác kiểm soát nồng độ cồn. Chính quyền các xã cũng cần tổ chức vận động các gia đình có đám hiếu, hỉ, hạn chế sử dụng bia rượu, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người điều khiển phương tiện giao thông cũng như người đi đường.

Tại cuộc họp về an toàn giao thông chiều 17-1, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ Công an thành phố, trang bị máy đo nồng độ cồn cho lực lượng công an các quận, huyện, tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trên toàn thành phố.

Đức Phong – Báo Hải Phòng 19/1/2018

Tin khác

Vaccine AstraZeneca COVID-19 có nguy cơ gây đông máu: Bộ Y tế nói người dân không nên lo lắng

Trước thông tin vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đang bị cáo buộc gây ra tác dụng…

03/05/2024

Giám sát thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp tại KCN VSIP Hải Phòng

Sáng 3/5, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố do đồng chí Phạm…

03/05/2024

Năm 2024, thành phố hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân với chất lượng tốt

Sáng 3/5, Hội đồng nghĩa vụ thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết công…

03/05/2024

Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp của LG

Sáng 25/4, tại Seoul Hàn Quốc, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Tập…

03/05/2024

Công ty đóng tàu Bạch Đằng hạ thủy tàu hàng 17.500DWT khai thác viễn dương

Tối muộn 2/5, tại Hải Phòng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng tổ…

03/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More