Print Thứ Hai, 01/08/2022 10:30 Gốc

Trời nắng nóng có nhiều tác động tới huyết áp. Nhiệt độ cao có thể làm giảm huyết áp ban ngày nhưng lại làm tăng huyết áp về đêm,… Nếu không kiểm soát tốt huyết áp và điều trị kịp thời, bệnh tăng huyết áp dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm…

Hiểu đúng về bệnh tăng huyết áp

Những ngày qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân vào khám hoặc nhập viện vì huyết áp tăng cao và tim mạch có vấn đề.

Theo các bác sĩ Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Hữu nghị Viết Tiệp, thời tiết quá nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, dễ dẫn đến những bệnh lý có liên quan đến máu, làm tăng tỷ lệ nguy cơ cho tim và não.

Mặt khác, nhiệt độ nóng bức khiến tim đập nhanh, huyết áp vì thế cũng tăng. Đây là trở ngại cho những người sẵn có bệnh tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp thường cảm thấy bứt rứt khó chịu, chóng mặt, nhức đầu. Nếu không kiểm soát huyết áp tốt và điều trị kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch (đau tim, nhồi máu cơ tim…).

Nhiều trường hợp bệnh nhân vào khám hoặc nhập viện vì huyết áp tăng cao tại Bệnh viện Việt Tiệp.

Một yếu tố khác do nhiệt độ ảnh hưởng tới huyết áp cần nhắc tới đó là: trong trời nắng nóng, người bệnh tăng huyết áp rất ngại vận động và thường xuyên ngồi trong phòng lạnh bật máy điều hòa với nhiệt độ thấp.

Điều này đặc biệt nguy hiểm với người bệnh tăng huyết áp bởi vì khi mới từ ngoài trời nóng vào thì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng đến lạnh sẽ khiến cho những mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao.

Ngược lại, nếu đang ở trong phòng lạnh trong một thời gian rồi lại đi ra ngay ngoài thời tiết nóng bức thì các mạch máu sẽ giãn nở, điều này khiến huyết áp không ổn định, dễ bị hạ đột ngột.

Ths.Bs.CKII Nguyễn Anh Dũng, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết: Huyết áp là chỉ số đo được do áp lực co bóp của tim đẩy máu vào động mạch và sức cản của thành động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg (milimet thủy ngân) và xác định bằng cách đo huyết áp. Huyết áp có hai chỉ số: Huyết áp tâm thu (HA tối đa) thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương (HA tối thiểu) thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim được thư giãn.

Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát); khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát. Khoảng 90% trường hợp huyết áp tăng cao không xác định được nguyên nhân.

Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thừa cân hoặc béo phì, ít vận động thể lực, có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

Triệu chứng thường gặp khi bị tăng huyết áp như: Nhức đầu, nặng đầu, choáng váng, chóng mặt, nóng phừng mặt, tê ngứa râm ran các chi; chảy máu mũi; mắt nhìn mờ, vệt máu bên trong mắt; mặt đỏ, buồn nôn, nôn,…

Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có dấu hiệu gì, chỉ phát hiện bệnh khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc khi đã có biến chứng như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ths.Bs.CKII Nguyễn Anh Dũng lưu ý, Tăng huyết áp cấp cứu (cơn tăng huyết áp) khi huyết áp đo được ≥180/110 mmHg có kèm một trong các dấu hiệu tổn thương cơ quan đích như: nhìn mờ, nôn, co giật, lơ mơ, hôn mê, khó thở, đau tức ngực dữ dội. Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Kiểm soát huyết áp trong mùa hè

Một nguyên tắc cơ bản để kiểm soát huyết áp đó là người bệnh phải dùng thuốc đều đặn, không ngắt quãng. Việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trời nóng, người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời nắng để đề phòng giãn mạch quá mức dẫn đến tụt huyết áp.

Người bệnh tăng huyết áp cần được theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ để được bác sĩ thăm khám, tư vấn phương pháp điều trị kịp thời hiệu quả.

Thời tiết nắng nóng khiến người bệnh tăng huyết áp thường bị mệt mỏi, cộng với việc dù vận động ít, cơ thể cũng sẽ ra nhiều mồ hôi, nên cơ thể sẽ mất nước và chất điện giải. Tuy nhiên, vận động sẽ giúp mạch máu co giãn và đàn hồi tốt, làm tăng tính bền của thành mạch máu. Vì vậy, vượt qua trở ngại về thời tiết, người bệnh tăng huyết áp nên cố gắng vận động, người bệnh tăng nên vận động toàn thân với nhịp độ chậm vừa, không nên tập nặng, có thể chọn các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền, lên xuống cầu thang, đi xe đạp chậm, đi bộ…

Việc điều chỉnh nhiệt độ trong phòng cũng rất quan trọng để người bệnh kiểm soát huyết áp. Trời càng nóng thì mọi người càng điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp, nhất là khi mới từ ngoài trời nóng vào nhà để mau chóng có cảm giác mát lạnh dễ chịu. Nhưng sự thay đổi nhiệt độ từ nóng đến lạnh đột ngột như thế sẽ khiến những mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao.

Người bệnh tăng huyết áp cũng không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu, do phòng kín, không khí lưu thông kém, nếu ở lâu sẽ dễ bị những chứng bệnh do máy điều hòa gây ra như chóng mặt, tim đập nhanh.

Chế độ ăn uống cũng có tác dụng trong kiểm soát huyết áp. Cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho người bệnh tưng huyết áp như: ngũ cốc thô, cá, gia cầm, đậu, rau quả, trái cây tươi, sữa và những sản phẩm từ sữa ít béo; ăn nhiều thực phẩm giàu chất kali như cà chua, khoai lang, nho, các loại đậu; nên ăn cá, thịt trắng như thịt gà, thịt gia cầm bỏ da; hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt heo; hạn chế ăn bánh ngọt, nước ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hay cholesterol (có nhiều trong mỡ, nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà).

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người bệnh tăng huyết áp nên uống nước thường xuyên. Việc cung cấp nước đều đặn cho cơ thể rất quan trọng. Ngoài ra, hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn. Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật. Đồng thời, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và tránh các chất kích thích như cà phê…

VŨ DUYÊN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kiểm soát cao huyết áp trong mùa nắng nóng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác