Print Chủ Nhật, 06/10/2024 18:10 Gốc

Chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Báo Hải Phòng nhận được phản ánh từ cha mẹ của học sinh có con đang theo học tại các trường tiểu học, THCS tại khu vực nội thành về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các điểm bán thức ăn đường phố gần cổng trường học.

Nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc

Chiều 28/9, tại một số cổng trường học trên địa bàn các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng cho thấy, tình trạng hàng quán bán cho học sinh khá phổ biến. Tại cổng Trường THCS Lạc Viên (quận Ngô Quyền), từ 16 giờ, dù chưa đến giờ học sinh tan học nhưng đã có một số xe bán hàng trên khu vực vỉa hè đối diện với cổng trường. Đó là những chiếc xe ba bánh tự chế được lắp đặt cả giá treo hàng kèm theo bếp than để có thể chế biến thức ăn tại chỗ. Trên những chiếc xe đẩy bày bán đủ loại, như chả xiên, mực chua cay, ngô cay, chân gà cay, xúc xích nước đá, cùng nước uống pha sẵn trộn kèm siro nhiều màu sắc… Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy việc chế biến thực phẩm không an toàn khi người bán hàng không đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay, bày bán cả xúc xích chín lẫn với các loại thịt viên chiên chưa nấu chín.

Còn tại cổng Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng), một số người bán hàng trải tấm bạt xuống vỉa hè, đổ tất cả thực phẩm lên trên. Đồ ăn được bày bán chủ yếu gồm các loại chân gà, phô mai, tăm cay… đều được sản xuất từ nước ngoài và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại các cổng trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân, như Võ Thị sáu, Trần Hưng Đạo. Giá bán các loại đồ ăn ở cổng trường khá rẻ, chỉ từ vài nghìn đồng là học sinh có thể chọn cho mình những món ăn vặt sau khi kết thúc giờ học.

Mặc dù không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng mỗi khi tiếng trống trường vang lên kết thúc giờ học, học sinh lại ùa ra vây quanh những điểm bán hàng này. Khi được hỏi, các học sinh trả lời mua hàng vì bị những màu sắc bắt mắt, có cháu lại mua đơn giản chỉ vì thấy “bạn cùng lớp cũng mua”. Chị Bùi Ngọc Phương, ở khu dân cư 81, phố Thiên Lôi (quận Lê Chân) có con đang học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu lo lắng, do công việc bận rộn nhiều khi gia đình không thể đón con đúng giờ nên khó giám sát việc con mua và ăn các loại đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm này.

Nhiều học sinh mua đồ ăn chế biến sẵn tại cổng Trường THCS Hồng Bàng vào ngày 29/9. Ảnh: TRUNG KIÊN.

Tuyên truyền để học sinh nâng cao ý thức

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc mua và sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra ngộ độc thực phẩm. Cô giáo Phạm Thị Thuỳ Liên, Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: Để chủ động phòng tránh các sự cố ngộ độc thực phẩm liên quan tới đồ ăn bán ngoài cổng trường, trong các tiết học giáo dục tập thể tại trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thông báo đến toàn thể học sinh về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân khi sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán ở cổng trường. Nhà trường cũng khuyến khích, vận động các gia đình học sinh chuẩn bị đồ ăn cho trẻ từ nhà, đồng thời yêu cầu không cho con mang tiền đến lớp để hạn chế việc mua đồ ăn vặt.

Theo quy định tại các điều 31 và 32 của Luật An toàn thực phẩm, để kinh doanh thức ăn đường phố cần đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn và cả nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm, cũng như người kinh doanh thức ăn đường phố. Luật này cũng quy định trách nhiệm quản lý chất lượng của thức ăn đường phố thuộc về chính quyền địa phương.

Để tránh xảy ra những sự cố ngộ độc thực phẩm đáng tiếc, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra các điểm bán hàng nhỏ lẻ quanh cổng trường; xử lý và tiêu hủy những thực phẩm không bảo đảm vệ sinh cũng như những hộ kinh doanh thức ăn đường phố không đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm. Theo khoản 8, Điều 22, Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e, khoản 12, điều 1, Nghi định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người khác thì có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 317, Bộ luật hình sự với mức phạt tù đến 7 năm.

Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu Lê Thúy Hạnh cho biết, mặc dù vị trí bán hàng nằm ngoài phạm vi quản lý của nhà trường, nhưng với mục tiêu không để ảnh hưởng tới sức khỏe của các em học sinh, nhà trường phối hợp với UBND phường, Công an địa phương kiên quyết xử lý những trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi chế biến, bày bán cũng như chủ động giám sát chất lượng các loại thực phẩm được bày bán ở cổng trường, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng xử lý trong trường hợp phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn.

BÀI: MINH AN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Kiểm soát bán đồ ăn ở cổng trường học
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác