Giao thông phức tạp
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố, trong 6 tháng năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, giảm 1 vụ so với năm 2022. Tuy nhiên, số người chết, bị thương do tai nạn lại tăng lần lượt 6,5% và 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 22 vụ tai nạn (chiếm gần 70% tổng số vụ) xảy ra ở khu vực nông thôn. Phức tạp nhất là huyện An Dương với 12 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến 15 người chết và bị thương, chiếm 1/3 tổng số vụ tai nạn trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, tại các huyện Vĩnh Bảo, An Lão cùng tăng 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng so với 6 tháng đầu năm 2022, khiến 4 người thương vong.
Trước đây, các vụ tai nạn giao thông ở khu vực ngoại thành thường chỉ xảy ra ở các điểm giao cắt với Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn giao thông lại chủ yếu tập trung ở những huyện lộ, tỉnh lộ. Mới đây nhất, vào trưa 3/7, trên tỉnh lộ 363 kéo dài nối từ xã Thanh Sơn đến xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) đoạn giao cắt với đường dẫn vào Trường mầm non Thanh Sơn xảy ra va chạm giữa ô tô tải và mô tô mang BKS 15F1-072.31. Vụ tai nạn khiến người điều khiển xe mô tô tử vong tại chỗ. Tại vị trí này cũng nhiều lần xảy ra các vụ va chạm giao thông. Hay như vụ tai nạn xảy ra ở đường trục xã Dũng Tiến (huyện Vĩnh Bảo) đoạn qua địa bàn thôn An Bồ xảy ra chiều 7/7, một người điều khiển xe máy điện bị văng xa sau khi va chạm với ô tô đi ngược chiều. Vụ va chạm khiến xe máy điện biến dạng, người điều khiển xe máy điện bị thương nặng.
Một điểm đáng chú ý là hầu hết vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở khu vực ngoại thành đều xảy ra ở những tuyến đường mới được thi công nâng cấp, mở rộng. Hệ thống mặt đường hoàn thiện, có chất lượng cao nhưng các đường nhánh lại chưa đồng bộ. Ghi nhận thực tế của phóng viên sáng 6/7, tại nút giao xảy ra ở xã Hữu Bằng cho thấy, đường trục tỉnh lộ 363 sau khi được cải tạo khá thông thoáng, rộng rãi, mặt đường bằng phẳng. Tuy nhiên, tuyến đường giao cắt lại khá nhỏ hẹp; vị trí giao cắt không vuông góc, người điều khiển phương tiện giao thông từ đường nhánh vào trục 363 buộc phải vòng rộng ra phía ngoài, nhiều khi lấn sang phần đường của xe đi ngược chiều. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các đoạn giao cắt trên tỉnh lộ 354, đoạn qua địa bàn huyện Tiên Lãng, đường Máng nước (huyện An Dương).
Rà soát hoàn thiện các vị trí giao cắt
Để ngăn ngừa tai nạn tại khu vực ngoại thành, song song với việc nâng cấp, cải tạo hệ thống các trục đường chính, chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông cần rà soát, đánh giá toàn diện các vị trí giao cắt. Từ đó, có phương án xây dựng phương án điều chỉnh nút giao cắt đồng cấp phù hợp, tránh để phát sinh những điểm khuất tầm nhìn. Cùng với đó, tại các đường nhánh giao cắt cần sơn nhiều cấp gờ giảm tốc, đèn tín hiệu, biển cảnh báo để hạn chế việc người điều khiển phương tiện chủ quan, không giảm tốc độ khi di chuyển từ đường nhánh vào trục chính.
Đồng chí Nguyễn Văn Luyến, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng cho rằng, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc trong thời gian qua có phần từ ý thức của người tham gia giao thông như chủ quan, thiếu quan sát hoặc không chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường bộ đồng thời hệ thống hạ tầng giao thông có phần chưa đồng bộ. Để hạn chế xảy ra tai nạn, các cấp ngành ở địa phương cần lưu tâm tới việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông đối với người dân địa phương. Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện (huyện An Dương) Hoàng Văn Quynh cho biết, sau khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông tới người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Lực lượng Đoàn thanh niên, cán bộ phụ nữ cũng như các cán bộ thôn cũng được yêu cầu vào cuộc tuyên truyền về an toàn giao thông tới người dân địa phương.
Thực tế công tác phòng, chống tai nạn giao thông tại địa bàn huyện Thủy Nguyên, địa phương duy nhất giảm được cả tỷ lệ số vụ và số người tử vong do tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm tới gần 70% cho thấy, lực lượng chức năng chủ động các phương án xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện. Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Thủy Nguyên) Tô Đình Mạnh cho biết, để làm tốt việc phòng ngừa tai nạn, đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vị trí thường xuyên xảy ra vi phạm, từ đó xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý triệt để. Trong đó, tập trung vào những lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn trên những huyện lộ, tỉnh lộ, như xe ô tô chở quá tải, cơi nới thành thùng, đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ./.
Bài và Ảnh: Minh An
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách…
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ,…
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế…
Chiều 31/12, tại trụ sở Cục Hải quan Hải Phòng, Đoàn công tác lãnh đạo…
Sáng 31/12, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức họp nghe tiến độ thực hiện…
Ngày 28/12, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã tổ chức Lễ…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More