Văn hóa

Khu di tích Bạch Đằng Giang: Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Vùng đất Tràng Kênh-Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên), cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 18km về phía Đông Bắc, là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang-một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.

Khu du tích Bạch Đằng Giang là một trong số ít địa điểm du lịch thực hiện thành công “3 không” bao gồm: không thương mại, không thu phí, không rác thải. Nhờ nguyên tắc “3 không” này, khu di tích đã mang đến một không gian văn hóa-lịch sử yên bình đúng nghĩa.

Toàn cảnh Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Hồng Phong.

Các công trình thuộc Khu Di tích Bạch Đằng Giang

Khu di tích Bạch Đằng Giang là một địa danh lịch sử đặc biệt nằm trên thế đất tựa sơn, phía trước có thiên nhiên hùng vĩ là sông, biển, đồi núi, đồng bằng.

Từ sông Bạch Đằng nhìn vào, Tràng Kênh như một Hạ Long trên cạn với nhiều núi non hùng vĩ. Tràng Kênh cũng là vùng đất lưu giữ di chỉ của người Việt cổ, nơi giao thoa văn hóa của người miền núi ở cánh cung Đông Triều với người miền biển của văn hóa Hạ Long của các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt. Từ trước công nguyên đến thời Bắc thuộc, Núi Tràng Kênh-Sông Bạch Đằng án ngữ con đường xâm lăng duy nhất về phương Nam của các thế lực Phương Bắc. Nơi đây, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 3 lần đều dùng trận địa cọc, cả 3 lần đều chỉ xảy ra trong 1 ngày, 1 con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống giặc, chém chết chủ tướng, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn. Không một khúc sông nào nơi đây không nhuốm máu quân thù. Bạch Đằng-Tràng Kênh thực sự là một địa danh có lịch sử truyền thống hào hùng, oanh liệt trong lịch sử trường tồn của dân tộc:

“Vạn cổ Bạch Đằng lưu chính khí”

Việc xây dựng khu di tích Bạch Đằng ngay tại chiến trường oanh liệt từ xa xưa là một việc làm lưu giữ hồn thiêng dân tộc, như lời thán tuyệt diệu của thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần Phạm Sư Mạnh:

“Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”

(Tạm dịch: khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng).

Quá trình xây dựng khu di tích là quá trình tạo dựng cảnh quan, không gian mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc, vừa hùng vĩ của núi sông, vừa linh thiêng và thấy như tiếng ông cha từ ngàn xưa vẫn vang vọng về.

Từ năm 2008 đến 2016, các công trình trong khu di tích đã lần lượt được xây dựng, tạo nên một quần thể di tích uy nghi, lung linh soi bóng xuống Bạch Đằng Giang lịch sử. Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, tạo thành điểm tựa tâm linh cho cả vùng Đông Bắc tổ quốc. Quần thể di tích gồm có:

Trụ Chiến Thắng-Khu di tích Tràng Kênh.

– Vườn cuội cổ và Trụ chiến thắng: Nằm trung tâm vườn cuội kết triệu năm tuổi, Trụ Chiến thắng được chế tác từ đá hồng ngọc nguyên khối lấy từ mỏ đá gốc Nam Trường Sơn, cao chừng 5,5 mét, tiết diện 2,25 mét vuông, nặng chừng trăm tấn. Sau chế tác trụ có 4 mặt hình chữ nhật, khắc nổi 108 chữ tương ứng với 72 vị thiên can, 36 vị địa chi, mặt tiền 7 chữ “Giang San Vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt tả, hữu, hậu khắc công lao và thần tích của Đức vua Ngô Quyền, Lê Đại Hành Hoàng đế và Đức Thánh Trần. Các chữ khắc cùng một mẫu, các bản thần phả đều từ cung sinh, kết thúc ở cung sinh theo Kinh dịch thể hiện sự trường tồn.

Đền thờ Đức vương Ngô Quyền. Ảnh: Hồng Phong.

– Đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn Minh Đại Việt.

Đền Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Đức Vua Lê Đại Hành.

– Đền Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Đức Vua Lê Đại Hành, năm 981 ngài đã tái tạo lại địa cọc của Ngô Quyền, có công đánh Tống bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán.

Linh từ Tràng Kênh.

– Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, ngài có công 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng 1288, đập tan dã tâm xâm lược nước ta của Đế chế Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.

Trúc Lâm tự Tràng Kênh.

– Trúc Lâm tự Tràng Kênh: Chùa mô phỏng theo mô hình Chùa Đồng-Yên tử. Chùa thờ Phật Tổ Như lai, các Đạt ma và Bồ Tát, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người đứng đầu quân dân Đại Việt trong 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau này ngài cùng Pháp Loa và Huyền Quang sang lập phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Dưới chân chùa là tượng Bạch Ngọc 18 vị La Hán, cây đa cổ thụ trên trăm tuổi được mang từ nhà máy xi măng Hải Phòng cũ để trồng, bảo tồn truyền thống.

Đền thờ Thánh Mẫu.

– Đền thờ Thánh Mẫu: Tín ngưỡng tôn thờ lấy hình tượng Mẫu (người mẹ) với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ, che chở con người đã đi sâu vào đời sống văn hóa dân tộc Việt, “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đền thờ Thánh Mẫu trong khu di tích thờ Mẫu đệ Nhất thượng Thiên, Mẫu đệ Nhị thượng ngàn, Mẫu đệ Tam thoải phủ. Trong đền còn có hương án và pho tượng thờ tự Ngũ vị tôn ông, tam vị ông Hoàng, Đức Nam Hải thần vương và Mẫu Sơn Trang.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

– Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người luôn trong trái tim mọi người dân đất Việt. Nhiều đền, chùa đình, đền, miếu trong cả nước đã lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và thu khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.

– Khu Nhà bảo tàng: Trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng-nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần..; lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ cũng như hình ảnh các vị lãnh tụ đã tới thăm, dâng hương và chiêm bái khu di tích.

Quảng trường Chiến thắng.

– Quảng trường Chiến thắng: Công trình được hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, đón xuân mới Đinh Dậu 2017. Quảng trường được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2.000m², lát đá granit vươn ra sông. Đây là nơi trang trọng đặt một công trình uy nghiêm, đó là tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.

Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn. 3 vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù. Đức hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dáng hiên ngang trong tư thế: “Năm nay đánh giặc nhàn”.

Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, rực sáng giữa màu xanh của trời, của non, của nước, là sự hòa quyện linh khí Thiên-Địa-Nhân, làm nên sự trường tồn của đất Việt. Dưới mặt nước là bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được dựng lại dưới lòng sông, tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù.

*** Những công trình văn hóa liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng Giang như phần nào phản ánh tầm vóc của 3 trận thủy chiến trong lịch sử. Nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương mà còn là nơi tham quan vãn cảnh tìm cảm giác an yên, tạm xa rời cuộc sống tất bật ngày thường.

Kể từ năm 2008 đến nay, khu di tích đã không ngừng mở mang, hoàn thiện, đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước về thăm quan.

Các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng

Tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo trên quảng trường Chiến thắng. Ảnh: Hồng Phong.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sinh ngày 10 tháng Chạp năm 1228 tại Tức Mạc phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mạc-Mỹ Lộc-Nam Định) với tài thao lược, trí dũng song toàn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, cả 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông (1258, 1285, 1288) ngài đều được các vua Trần giao quyền: “Quốc công Tiết chế”-Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Đại Việt, cản phá quân thù hung bạo mà vó ngựa đã dày xéo khắp Á, Âu, từ Thái Bình Dương đến tận bờ biển Địa Trung Hải. Nhưng cả 3 lần chúng đều bị thất bại kinh hồn lạc phách, Toa Đô bị chém, Ô Mã Nhi, Phàm Tiếp, Tích Lệ Cơ bị bắt sống, Trấn Nam Vương Thoát Hoan chủ tướng phải chui đầu vào ống đồng để kéo qua biên ải mới thoát chết. Đặc biệt, trận Bạch Đằng 1288 chỉ trong một ngày 9 tháng 4 đã chôn gọn 6 vạn tên giặc cùng 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi cầm đầu, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 3 của Đế chế Nguyên Mông.

Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Bình Bắc Đại Nguyên soái Hưng Đạo Đại Vương quy tiên hiển thánh hưởng thọ trên dương thế 73 tuổi, được vua Trần Anh Tông truy tặng: Thái sư Thượng phụ quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, được muôn đời con dân Đại Việt-Việt Nam tôn là Đức Thánh Trần. Người được nhân loại suy tôn là danh nhân quân sự kiệt xuất từ cổ chí kim của thế giới.

Ngài đã để lại “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ” những kinh nghiệm, truyền thống, nghệ thuật quân sự đánh giặc của tổ tiên ta. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng Ngài dặn lại những người cầm quân, cầm quyền, với giặc phương Bắc cần “Giặc cậy trường trận ta dùng đoản binh”, với dân phải “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, với việc giữ nước phải “chúng chí thành thành” nghĩa là ý chí đoàn kết của dân chúng là thành trì vững bền nhất.

Đức vua Lê Đại Hành

Đức vua Lê Đại Hành thụy hiệu là Đại Hành Hoàng đế tên húy là Lê Hoàn, sinh giờ dần ngày 10/08/941 tức rằm tháng bảy năm Tân Sửu ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng giao chức Thập đạo tướng quân chỉ huy 10 đạo quân của quân dân Đại Cồ Việt.

Tháng 10 năm 979 vua Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại, Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, nhân cơ hội đó nhà Tống cho quân sang xâm lược nước ta. Trước tình hình đất nước bị lâm nguy, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, Thái hậu Dương Vân Nga cùng các tướng soái đã tôn Ngài lên làm vua, lấy liên hiệu là Đại Hành Hoàng đế.

Tháng 7 năm 980, vua Tống phong cho Hầu Nhân Bảo làm tổng chỉ huy chia thành 2 đường thủy bộ cùng tiến về cửa sông Bạch Đằng từ đó đánh chiếm Tây Kết làm bàn đạp tấn công kinh thành Hoa Lư.

Đức vua Lê Đại Hành trực tiếp cầm quân ra trận. Trong 92 ngày đêm từ tháng Chạp năm Canh Thìn đến cuối mùa xuân năm Tân Tỵ, Ngài đã trực tiếp chỉ huy 6 trận đánh lớn. Trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng vào đúng ngày 28 tháng 4 năm 981. Lê Đại Hành đã tái tạo trận địa cọc của Ngô Quyền, rồi khôn khéo dùng kế trá hàng, chém chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo, tiêu diệt hoàn toàn quân Tống, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất giữ yên độc lập cho Đại Cồ Việt.

Đức vương Ngô Quyền

Ngài có vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, trí dũng song toàn, sức mạnh cử đỉnh-như lời sử cũ mô tả. Thuộc dòng dõi Hào trưởng đất Đường Lâm (Sơn Tây-Hà Nội), ngài sinh năm 898. Bấy giờ là cuối đời nhà Đường ở phương Bắc sang đô hộ nước Việt. Thủ lĩnh các địa phương đều tranh thủ thời cơ, lăm lăm nổi dậy, đuổi giặc cứu nước. Nghe tin ở Dương Xá (Ái Châu-Thanh Hóa), Hào trưởng Dương Đình Nghệ là người có chí lớn, thế lực mạnh, Ngài (Đức Vương Ngô Quyền) bèn vào theo. Và được họ Dương mến chuộng, nhận làm nha tướng, lại gả con gái cho.

Từ năm 905 đến năm 937, Ngài đã tận mắt chứng kiến những biến động dồn dập trọng đại của lịch sử đất nước.

Khúc Thừa Dụ ở Hồng Châu (Hải Dương) đưa lực lượng bản bộ lên chiếm giữ thành Đại La (Hà Nội) của nhà Đường, nhưng rồi con cháu lại bị nhà Nam Hán thay thế nhà Đường khuất phục, tái đô hộ. Dương Đình Nghệ thân dẫn quân Ái Châu ra đánh “Trận quyết chiến chiến lược Đại La”, thắng oanh liệt quân xâm lược Nam Hán, nhưng rồi lại bị Hào trưởng Phong Châu (Bạch Hạc-Việt Trì) Kiều Công Tiễn tranh quyết, giết hại….

Đến đây, ở tuổi 39, Ngài đứng ra nhận nhiệm vụ lịch sử: Trừng trị Kiểu Công Tiễn và chống đánh quân Nam Hán-do họ Kiều rước vào-xâm lược lần thứ hai.

Tháng 9 năm 938, bằng đòn đánh sấm sét tại Đại La, Ngài đã diệt gọn bọn nội phản, phá tan cuộc nội ứng mà quân Nam Hán trông đợi. Do đó, dốc được toàn lực, chuẩn bị kháng chiến chống giặc ngoài.

Ở tuổi 40, vươn mình vượt cao lên trước sứ mạng lớn lao, Ngài đã: Dựa vào khí thế của đất nước vừa ra khỏi đại nạn Bắc thuộc, chọn đúng được vùng cửa sông Bạch Đằng làm chiến trường tiến đánh quân Nam Hán, ngay khi chúng mới ngấp nghé, toan vào cõi. Lại vận dụng trí tuệ và truyền thống chống giặc của dân tộc mà sáng tạo được phương thức phục kích đánh Nam Hán trên vùng sông cửa biển, với sự hỗ trợ lợi hại của trận địa cọc bọc sắt nhọn đóng ngầm dưới nước, kết hợp nhịp nhàng với sự lên xuống của thủy triều.

Đặc biệt là huy động và chỉ huy được các thế lực từ nhiều vùng đất nước, và sự ủng hộ, tham chiến sôi nổi của nhân dân, dân binh và dân tướng ở ngay tại địa phương trước biển.

Vào ngày cuối mùa Đông, tháng Chạp, năm 938, dưới ngọn cờ soái chủ của Ngài, trận đánh nơi cửa biển Bạch Đằng đã nổ bùng, tối sầm trời đất, rung chuyển non sông.

Diễn biến nhanh chóng nhất giữa lịch sử các cuộc kháng chiến của dân tộc: Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày.

Có hiệu suất chiến trường rất cao: Phá tan hạm đội chiến thuyền Nam Hán, giết tại trận chủ tướng Lưu Hoằng Tháo. Cuộc quyết chiến chiến lược Bạch Đằng của Ngô Quyền đã giải quyết trọn vẹn nhiệm vụ của cả một sự nghiệp kháng chiến, chỉ trong một trận đánh. Đồng thời, kết thúc quá trình vận động hơn 30 năm từ Khúc Thừa Dụ đến Dương Đình Nghệ-Giải phóng dân tộc để “Người Việt làm chủ nước Việt”. Và, chính thức báo hết cho cả thời đại hơn nghìn năm “Bắc thuộc-Chống Bắc thuộc”.

Một “Truyền thống Bạch Đằng” vẻ vang, một “Kỷ nguyên Độc lập tự chủ” vàng son, cũng từ trận Bạch Đằng của Ngô Quyền, mở ra. Bởi vì, dẫn đầu đoàn quân đại thắng trận Bạch Đằng trở về, ngay vào và từ mùa xuân năm 939, Ngô Quyền đã quyết định: Tự mình xưng Vương, làm Vua nước Việt, gạt bỏ chức Tiết độ sứ mà trước đấy, Khúc Thừa Dụ và Dương Đình Nghệ đã phải tạm nhận từ phương Bắc. Chọn Cổ Loa làm Kinh Đô, để tỏ ý “Nối lại quốc thống”: Truyền thống độc lập tự chủ quốc gia, bị dứt từ khi An Dương Vương hơn nghìn năm trước để mất thành Cổ Loa, thì nay, cũng ở ngay tại Cổ Loa, khôi phục truyền thống ấy.

Và tạo dựng, thể chế của và cho Quốc gia độc lập tự chủ. Đức Vương Ngô Quyền, vậy chính là người đúng với: Lời đánh giá của sử thần Lê Văn Hưu ở thế kỷ 13: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng Vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”.

Lời bàn của sử quan Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ thứ 15: “Tiền Ngô Vương nổi lên, không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục có thể thấy được quy mô của Đế Vương”. Và lời ca ngợi của chí sĩ Phan Bộ Châu ở đầu thế kỷ thứ 20, gọi Đức Vương Ngô Quyền là “Vị Tổ trung hưng” của đất nước, đứng sau “Vị Thủy tổ dựng nước đầu tiên” là Hùng Vương, và đứng trước “Vị Anh hùng trung hưng thứ hai” là Lê Lợi.

Toàn cảnh vùng đất Tràng Kênh-Bạch Đằng. Ảnh: Hồng Phong.

*** Ngày 2/1/2021, tại Khu di tích Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên, UBND thành phố tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Buổi lễ nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam; những giá trị nổi bật của các trận thắng trên sông Bạch Đằng đối với lịch sử Việt Nam và thế giới. Khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới; tuyên truyền những giá trị khoa học, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của khu Di tích quốc gia Bạch Đằng Giang, từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, buổi lễ cũng nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích quốc gia Bạch Đằng Giang và những tiềm năng của Hải Phòng, giới thiệu về một Hải Phòng với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đến du khách trong nước và quốc tế đang vươn mình mạnh mẽ hội nhập quốc tế.

(Tổng hợp từ tài liệu Khu Di tích Bạch Đằng Giang)

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More