Năm 2019, việc phát lộ bãi cọc quý 1.000 năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) được coi là sự kiện văn hóa-lịch sử nổi bật nhất của thành phố Hải Phòng. 27 cọc gỗ có niên đại từ thời nhà Trần được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật đã đưa đến cho lịch sử Việt Nam một góc nhìn hoàn toàn mới.
Chỉ sau gần 3 tháng kể từ khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, chứng tích lịch sử liên quan tới cuộc chiến của quân, dân nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông năm 1288, Hải Phòng đã tích cực triển khai các công việc cần thiết để bảo tồn, phát huy di tích, thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trước các giá trị lịch sử của dân tộc và các thế hệ mai sau.
Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được chính thức khởi công vào ngày 3/5/2020. Đến nay, chỉ sau 5 tháng thi công với sự đoàn kết một lòng của nhân dân và chính quyền địa phương, mọi hoạt động triển khai dự án đã diễn ra một cách thuận lợi từ công tác GPMB cho đến công tác thi công đều khẩn trương và nghiêm túc.
Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng bên cạnh giá trị bảo tồn phát huy truyền thống của dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, còn góp phần kết nối giao thông giữa các khu di tích dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng, Quốc lộ 10 với Khu di tích bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê; kết nối việc khai thác các khu di tích lịch sử Bạch Đằng trên địa bàn từ thị trấn Minh Đức đến xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Đồng thời, từng bước thực hiện xây dựng và hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên từ đường tỉnh 359 tại đầu đập Minh Đức tới đường tỉnh 352 xã Lại Xuân.
Không chỉ mang ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, công trình còn thể hiện sự đồng tâm, đồng lòng giữa nhân dân và chính quyền trong việc gìn giữ phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, là niềm tự hào của người dân Thủy Nguyên nói riêng, niềm tự hào của thành phố và đất nước nói chung.
Trâm Bầu; Ảnh: Hoàng Quân