Kinh tế

Khát vọng trở thành cường quốc công nghệ

Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ

Hôm nay (9-5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ (DNCN) Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng lãnh đạo DNCN, DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CN tại Việt Nam.

Hành động vì “Make in Vietnam”

Ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Trưởng ban tổ chức – cho biết diễn đàn có chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” (“make” chứ không phải “made”, là toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ và phát triển công nghệ – NV). Diễn đàn do Bộ TT-TT chủ trì, với sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều DN như Viettel, VNG, VNPT, VinSmart, BKAV, VCCorp, Grab, CMC, FPT, MISA… Các DN khởi nghiệp CN như: Foody, Lozi, Vntrip, TopCV, Monkey Junior; DN đầu tư cho nghiên cứu phát triển CN như: Vingroup, Genetica… cũng tham gia sự kiện quan trọng này.

Diễn đàn là một khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái DNCN với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về CN, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển. Trong tiến trình này, DNCN Việt Nam sẽ làm chủ và “Make in Vietnam” toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ; làm chủ CN, phát triển CN để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp CN mới cho thế giới. DNCN Việt Nam còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, sẽ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định việc lựa chọn chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cho diễn đàn lần này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, của Thủ tướng trong việc phát triển DNCN Việt Nam. Diễn đàn là sự kiện hàng đầu đối với cộng đồng ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu, phát triển công nghệ, là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm ngàn DNCN Việt Nam.

Người Việt đã có thể làm chủ những công nghệ sản xuất điện thoại thông minh công nghệ châu Âu tại nhà máy Vsmart của Tập đoàn Vingroup ở Hải Phòng. (Ảnh do Vingroup cung cấp)

Mục tiêu 100.000 DNCN

Bà Tô Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ TT-TT, cho biết đến hết năm 2018, cả nước có 50.000 DNCN. Trong đó, khoảng 30.000 DN trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ICT. DNCN Việt Nam tập trung chủ yếu ở mảng phần cứng, phần mềm và công nghiệp nội dung số. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành CNTT đạt 94 tỉ USD, xuất siêu khoảng 26 tỉ USD; doanh thu ước đạt 98,9 tỉ USD, tăng trưởng 8%; đóng góp gần 50.000 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. “Các DNCN Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực, tiềm năng để phát triển và mục tiêu của Bộ TT-TT là sẽ nâng con số các DNCN Việt lên 100.000 vào năm 2020” – bà Hương tự tin nói.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP VCCorp, cũng thể hiện sự lạc quan: “Tôi rất đồng tình với chủ trương, định hướng chiến lược phát triển ICT mà Bộ TT-TT đề ra. Đó là trước mắt xây dựng sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” để chúng ta sở hữu, làm chủ CN, tạo ra sản phẩm của mình; sau đó mang sản phẩm của DN mình ra nước ngoài kinh doanh”. Dẫn chứng cho lập luận của mình, ông Tân nêu ví dụ VinFast đã xây dựng được nhà máy ôtô hiện đại trong thời gian rất ngắn nhờ triển khai mô hình 4.0, với đặc trưng là việc tự động hóa. Cách đây vài năm, Viettel phải đi mua thiết bị của nước ngoài, đến nay tập đoàn này cũng đang từng bước làm chủ việc sản xuất hạ tầng viễn thông.

Ông Tân còn nhìn nhận “kho tài sản” lớn của Việt Nam hiện nay chính là có khá nhiều DNCN, mỗi DN lại có thế mạnh riêng. Việt Nam cũng không thua kém quá nhiều so với thế giới khi chỉ đứng sau các nước tốp đầu về CN. “Các DN có vốn, có đội ngũ nhân sự tốt, nếu thấy cơ hội kinh doanh, lại được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ thì họ sẵn sàng “đổ tiền, đổ của, đổ lực” để làm, để “chiến đấu” – ông Tân nhấn mạnh ưu điểm của DNCN nước nhà.

Sẵn sàng ra biển lớn

Cùng với gần 1.000 DN được mời dự diễn đàn, ông Phạm Hải Văn – Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Haravan – bày tỏ sự tâm đắc với chủ đề mà diễn đàn đặt ra. “Việc tổ chức những diễn đàn về CN cho thấy Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm, coi CN là ngành mũi nhọn. Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi trên sân nhà, sẵn sàng tiến ra biển lớn” – ông Văn bày tỏ.

Ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got IT – một công ty Việt đang rất thành công tại Thung lũng Silicon (Mỹ), nói ông rất hứng thú với ý tưởng xây dựng mô hình DNCN của Bộ TT-TT. Ông Hùng cho biết so với các DN thông thường, DNCN mất thời gian ngắn hơn và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều, trong khi phạm vi ảnh hưởng lại rất lớn. Do vậy, ông mong mỏi thông qua Diễn đàn Phát triển DNCN Việt Nam lần đầu tiên được Bộ TT-TT tổ chức, sẽ có một thế hệ các start-up trẻ được hình thành.

“Nếu Việt Nam định hình và xây dựng được hàng trăm công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực CN, trong đó chỉ cần 1, 2 công ty thành công thì có thể xuất hiện những “ông lớn” Việt Nam. Kể cả trong trường hợp có nhiều công ty thất bại thì ít nhất cũng sẽ tạo ra một nguồn lực CN dồi dào, những người sẵn sàng làm lại và tạo ra các công ty lớn ở lần thứ 2, thứ 3…” – ông Trần Việt Hùng nói.

Thảo luận 4 nhóm chủ đề

Bà Tô Thu Hương cho biết diễn đàn sẽ tập trung thảo luận theo 4 nhóm chủ đề: DNCN Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; DNCN Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; chính sách và giải pháp phát triển DNCN Việt Nam; giải pháp kết nối các DNCN. Đáng chú ý trong phiên chuyên đề

“DNCN Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, các chuyên gia của Hàn Quốc, ADB Việt Nam và Đại học Fulbright sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển DNCN cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội dựa vào phát triển DNCN.

Bảo Trân

Nguồn. Người Lao động

Nguồn tin: Người Lao động

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More