Theo thống kê 5 năm trở lại đây, VFF đã buộc phải đưa ra hơn 50 án phạt với các hình thức xử lý khác nhau và số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng gây rối tại các trận đấu vẫn chưa thể có biện pháp triệt để, đặc biệt là nạn đốt pháo sáng. Phải chờ đến Quyết định khởi tố điều tra vụ đốt pháo sáng tại sân vận động Hàng Đẫy của Công an quận Đống Đa hôm 14/9, thì biện pháp răn đe mới có khả năng không bị nhờn.
Hà Nội FC là cái tên đáng gờm của giải V-League không chỉ bởi sở hữu những cầu thủ ngôi sao của bóng đá Việt Nam như Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải… mà còn do thành tích của đội tuyển này trong từng giải đấu. Tuy nhiên, thành tích đội tuyển lại không đi cùng với sự đảm bảo an ninh trong từng trận đấu của Hà Nội FC tại sân nhà – sân vận động Hàng Đẫy. Từ năm 2014 đến nay, trong con số thống kê xử phạt vì pháo sáng của VFF, Ban tổ chức sân Hàng Đẫy luôn đứng đầu danh sách với 465 triệu đồng, tiếp sau là Hải Phòng 265 triệu đồng, rồi đến Nam Định 125 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, Ban tổ chức sân vận động Hàng Đẫy đã bị xử phạt 175 triệu đồng sau 22 vòng đấu.
Trước trận đấu vòng 22, tại vòng 6 V-League 2019 diễn ra ngày 21/4, sân Hàng Đẫy cũng đã phải hứng chịu “cơm mưa” pháo sáng từ cổ động viên (CĐV) Hải Phòng. Tại thời điểm đó, Ban tổ chức sân đã phải nộp phạt 70 triệu đồng nhưng thoát được án “treo sân” sau khi khiếu nại. Mặc dù nhận phạt liên tục nhưng Ban tổ chức sân vẫn lơi là dẫn đến hậu quả đáng tiếc trong trận Hà Nội FC – Nam Định hôm 11/9 (một CĐV bị thương nặng vì pháo sáng, 2 chiến sĩ cảnh sát bị hành hung). Sau vụ việc này, cuối tuần qua, Ban Kỷ luật VFF đã đưa ra án phạt kịch khung cho cả 2 CLB là 85 triệu đồng và thi đấu 2 trận không có khán giả trên sân nhà.
Dù vậy, dư luận đặt câu hỏi, nếu Ban tổ chức sân Hàng Đẫy chấp hành quy định của VPF lắp đặt 4 cổng từ tại các điểm vào SVĐ để kiểm soát CĐV Nam Định thì liệu rằng, hơn 10 quả pháo sáng có được đốt tới tấp như vậy tại Hàng Đẫy vào ngày 11/9 vừa qua? Chưa kể, trước trận đấu, hành động náo loạn đường phố bằng pháo sáng của CĐV Nam Định đã là dấu hiệu cảnh báo cho lực lượng an ninh sân vận động Hàng Đẫy. Dù Ban tổ chức trận đấu đã nhận lỗi, xin rút kinh nghiệm nhưng ai dám chắc rằng tình trạng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy sẽ không còn tái diễn.
Sẽ xử đúng người, đúng tội?
Ngay sau sự việc không mong muốn tại sân Hàng Đẫy, ngày 14/9, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã chính thức ra Quyết định khởi tố điều tra vụ đốt pháo sáng. Cùng với đó, Cơ quan CSĐT – Công an quận Đống Đa đã triệu tập một số đối tượng để đấu tranh, làm rõ vụ án. Công an quận Đống Đa cũng chỉ đạo Đội cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường, thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy lời khai của các nhân chứng và những người liên quan. Đồng thời, lập nhiều mũi truy tìm nhóm thanh niên đốt pháo sáng. Đây là lần đầu tiên một vụ việc liên quan đến pháo sáng bị khởi tố điều tra, để thấy quyết tâm của các cơ quan chức năng sẽ xử lý mạnh tay cho hành động quá khích gây hậu quả nghiêm trọng của CĐV.
Chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh chia sẻ: “Có một thời kỳ các quốc gia cấm các CĐV Anh sang xem bóng đá bởi nạn Hooligan. Bóng đá không thể là môn chơi mang tính bạo loạn. Việc đốt pháo sáng sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt nên phải có những biện pháp kiên quyết, chế tài xử phạt mạnh với các CĐV và bản thân đội bóng”.
Có thể thấy, việc đốt pháo sáng là một tệ nạn, không chỉ ảnh hưởng đến bóng đá trong nước mà còn cả khu vực và châu lục. Sự việc tối 11/9 vừa qua tại sân Hàng Đẫy một lần nữa là hồi chuông báo động cho cả xã hội nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng về nạn pháo sáng. Việc phạt Ban tổ chức trận đấu là điều dễ hiểu nhưng vẫn cần phải có biện pháp mạnh như việc khởi tố hình sự các CĐV quá khích gây hậu quả nghiêm trọng; xử đúng người, đúng tội, để CĐV không trở thành “Hooligan” trong tương lai.