Tối 7-11, trong lời chia buồn gửi tới gia đình 39 người Việt thiệt mạng trên xe container ở Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: “Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng, chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, không để tái diễn, sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội”.
Bài học đau xót từ vụ 39 người Việt tử vong khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh cho thấy dù động cơ kiếm tiền mạnh đến mức nào thì tính mạng con người và sự tôn trọng pháp luật phải được đặt lên trên hết. Việc nhập cảnh trái phép và lao động “chui” cần được kiên quyết loại bỏ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo.
Xã Đô Thành (huyện Yên Thành) là một trong những địa phương giàu có nhất của tỉnh Nghệ An. Những ngôi nhà cao tầng, biệt thự sang trọng mọc lên san sát nhau từ đầu làng đến cuối xóm. Nhiều gia đình đã có ôtô đắt tiền, thu nhập cao, đời sống vật chất của người dân xã Đô Thành ngày càng được nâng lên phần lớn là nhờ xuất khẩu lao động.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho biết: Trước đây xã Đô Thành cũng như các làng quê xung quanh, mức sống của người dân khó bật lên vì chỉ biết dựa vào cây lúa, củ khoai ở vùng đất cằn cỗi.
Nhưng 20 năm trở lại đây, tại địa phương có phong trào đi xuất khẩu lao động ở Nga, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Với số dân chưa đến 15.000 người, xã hiện có gần 1.500 người đang làm việc ở nhiều nước trên thế giới, một số gia đình có tới 2 – 3 thành viên cùng đi làm việc tại nước ngoài.
Xét về quy mô toàn tỉnh, Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượnglao độngđi làm việc ở nước ngoài với hơn 60 nghìn người. Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều vùng quê xứ Nghệ đã thay da đổi thịt, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao.
Tỉnh Nghệ An xác định xuất khẩu lao động là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội; là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn.
Trung bình mỗi năm, Nghệ An có trên 13.000 người xuất cảnh đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, các nước Trung Đông và một số nước châu Âu. Nguồn thu nhập do xuất khẩu lao động chuyển về hàng năm ước đạt 500 triệu USD/năm.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính đến đầu tháng 11/2019, tỉnh có 55.200 người đang làm việc ở nước ngoài. Tổng thu nhập của người lao động ở nước ngoài ước tính lên tới gần 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó số tiền gửi về nước khoảng 60%.
Nguồn tiền này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.
Việc ra nước ngoài lao động để tìm kiếm nguồn thu nhập cao hơn là nhu cầu chính đáng của người dân. Nhưng nếu đi theo con đường không chính ngạch thì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy mà đau xót nhất là phải trả giá bằng tính mạng con người.
Trước khi phía Anh chính thức xác nhận toàn bộ 39 người thiệt mạng trên xe container là người Việt Nam, nhiều gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã chuẩn bị tâm thế đón tin dữ.
Hơn một tuần trước, có 21 gia đình ở tỉnh Nghệ An đã trình báo với cơ quan chức năng về việc người thân của họ bị mất liên lạc khi tìm đường sang Anh. Điều đáng nói là những người này đều được những người môi giới hứa hẹn đưa đến châu Âu bằng con đường “vòng vèo” sau khi xuất cảnh hợp lệ khỏi Việt Nam.
Theo điều tra ban đầu, những người xuất cảnh kiểu này thường được “giúp” đưa tới nước trung gian rồi đi tiếp bằng con đường tiểu ngạch, dưới hình thức “du lịch”, tham gia hội chợ và du học… Nhưng khi gặp sự cố thì bản thân người lao động phải tự xoay xở, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Ông D. ở thôn Tân Thượng (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), có hai con trai đi lao động bất hợp pháp ở Anh và Đức. Cái giá của việc nhập cảnh và lao động chui ở châu Âu quá nghiệt ngã. Cách đây mấy năm người con trai thứ hai của ông phải bỏ mạng tại Anh trong một lần chạy trốn cảnh sát. Giờ đây ông lại lo sợ cậu con trai lớn đang làm ăn ở Đức theo bạn bè nhập cảnh chui vào Anh theo lộ trình của những chiếc container đông lạnh.
Trong số 39 người thiệt mạng trong xe container ở Anh, có tới 21 người ra đi từ Nghệ An, 10 người từ Hà Tĩnh, 3 người từ Quảng Bình, 3 người từ Hải Phòng, Hải Dương và Thừa Thiên-Huế (mỗi địa phương có một nạn nhân). Đây quả thực là một nỗi đau, một bài học quá đắt giá, đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tại buổi giao ban báo chí tháng 10 của tỉnh Nghệ An được tổ chức vào ngày 7-11, Đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” để mở rộng điều tra đường dây liên quan đến vụ phát hiện 39 người Việt tử vong ở Anh. Đồng thời, Công an tỉnh cũng đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 7 đối tượng để điều tra làm rõ đường dây này.
Bên cạnh việc trấn áp loại hình tội phạm mua bán người và đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp thì điều rất quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người lao động và gia đình để tránh tình trạng bị lôi kéo vào con đường chui lủi, đánh đổi mạng sống.
Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước, danh mục các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
UBND tỉnh Nghệ An cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc phối hợp với doanh nghiệp tuyển chọn lao động xuất khẩu; phối hợp giáo dục, quản lý để khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật của nước tiếp nhận lao động và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng; tích cực định hướng xuất khẩu lao động hợp pháp, chỉ rõ những khó khăn, rủi ro có thể gặp khi lao động bất hợp pháp; cảnh báo thủ đoạn hoạt động của các đối tượng đưa người đi lao động ngoài nước bất hợp pháp để nhân dân trên địa bàn phòng tránh và tố giác.
Còn tại Hà Tĩnh, để ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi, vi phạm trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng xuất khẩu lao động, tuyển sinh đào tạo, thu tiền của người lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã đề nghị các cơ quan thông tấn – báo chí, Công an tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với các địa phương của Cộng hòa Liên bang Đức và Hàn Quốc.
Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cho phóng viên biết: Để hạn chế tình trạng người dân trên địa bàn đi sang các nước châu Âu tìm việc làm bằng con đường bất hợp pháp, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm một số thị trường, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong các khâu của quá trình tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động một cách an toàn và hiệu quả.
Với những quyết tâm và nỗ lực từ Chính phủ, các ngành, các địa phương cũng như những bài học đau xót rút ra từ câu chuyện bi thương ở Anh khiến nhiều gia đình đột ngột mất đi những người thân yêu nhất của mình, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng hãy tỉnh táo và sáng suốt khi đưa ra những quyết định và sự lựa chọn về con đường mưu sinh nơi xứ người.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 13.000 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong số đó, có khoảng 400 người bị lừa bán sang Trung Quốc; gần 3.000 trường hợp đã bị bắt, đẩy đuổi về nước; 29 trường hợp bị đưa ra xét xử, tuyên án về hành vi nhập cảnh trái pháp luật; 41 trường hợp bị tai nạn, tử vong và hàng trăm trường hợp khác mất tích. Đây chính là những con số báo động về tình trạng xuất cảnh trái pháp luật và những hệ lụỵ buồn mà người lao động đang phải đối mặt.
Trung tá Vũ Đức Tĩnh, Phó phòng phụ trách An ninh Đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để chủ động phòng ngừa tình trạng lao động trái phép ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan cùng vào cuộc để thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của pháp luật, hậu quả từ việc đi xuất cảnh trái phép. Đặc biệt, huy động nguồn lực tạo việc làm tại chỗ cho người dân và tăng cường quản lý xuất nhập cảnh.
Lực lượng Công an tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tập trung điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép đi lao động. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các đơn vị Công an trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động gần 900 người lao động trái phép từ Trung Quốc về quê ký cam kết không tái phạm; hơn 400 gia đình có người thân lao động trái pháp luật tại Trung Quốc cam kết kêu gọi người thân trở về địa phương; phát hiện, ngăn chặn 27 trường hợp chuẩn bị xuất cảnh sang Trung Quốc, xử phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền gần 50 triệu đồng.
Trịnh Duy Hưng
T.C – P.Q – Q.V
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
Sáng 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực…
Chiều 18/12, UBND thành phố tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More