Theo chị V – nạn nhân của vụ cưỡng hôn trong thang máy – đối tượng H tiếp tục không đến buổi hẹn xin lỗi sáng 16.3, nên gia đình chị không cần lời xin lỗi từ đối tượng này. Không được chấp nhận lời xin lỗi, vậy đối tượng này có bị xử lý hình sự?
Liên quan vụ nữ sinh P.H.V (20 tuổi, trú tại chung cư Golden Palm phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân; là nạn nhân) bị đối tượng Đ.M.H (37 tuổi, quê ở An Lão, Hải Phòng) sàm sỡ trong thang máy của chung cư Golden Palm, chị P.H.V cho biết, sau một hủy hẹn buổi xin lỗi công khai, sáng 16.3, đối tượng Đ.M.H tiếp tục thất hứa. Điều này khiến chị V rất bức xúc.
“Tôi không cần lời xin lỗi của Đ.H.H nữa. Đến giờ phút này, thái độ của anh ta rất cười cợt, coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Hôm hai bên gặp mặt, anh ta còn đùa cợt rằng: “Em không thích bồi thường, thích quà gì, anh sang Singapore mua cho”. Anh ta không hề có thái độ ăn năn, hối lỗi về hành vi của mình”, chị V cho hay.
Theo nữ sinh này, từ hôm xảy ra sự việc đến giờ, chị không tập trung học tập được, cửa hàng thì đóng cửa. Chị V không chấp nhận lời xin lỗi của H nữa và muốn pháp luật xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội.
Liên quan vụ việc này, nhiều người băn khoăn, theo các quy định của pháp luật hiện hành, hành vi sàm sỡ của Đ.M.H sẽ bị xử lý như thế nào, liệu có xử lý được hình sự không?
Bạn đọc Hương Ly (Nghệ An) bình luận: “Ở nơi công cộng mà đối tượng này lại dám giở trò đồi bại như vậy, không thể chấp nhận được. Trường hợp này, nếu không nghiêm trị thì sau này sẽ gây ra các vụ khác nặng hơn, hy vọng sẽ có hình phạt thích đáng cho những người như thế này”.
“Đối tượng H quá coi thường pháp luật, công an gọi mà không lên, liên tục hủy buổi hẹn xin lỗi nạn nhân, thái độ cười cợt. Vụ này không xử lý nghiêm, nạn nhân còn nguy hiểm hơn”, là ý kiến của độc giả Trần Văn Lâm (Hưng Yên).
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Lao Động, luật sư Tạ Anh Tuấn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội – nhận định, trường hợp này, nạn nhân đã 20 tuổi, rất khó xử lý hình sự. Bởi, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định về tội Dâm ô đối với người lớn.
Theo luật sư, hành vi sàm sỡ của đối tượng Đ.M.H có thể xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định 167 ngày 12.11.2013 của Chính phủ.
Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, thông qua clip thấy rằng, hành vi sàm sỡ phụ nữ của đối tượng Đ.M.H là không thể chấp nhận được. Anh ta biết được “kẽ hở” về luật pháp nên thái độ nhởn nhơ, liên tục hủy hẹn buổi xin lỗi công khai.
“Đúng là còn khá nhiều bất cập về luật pháp khi tội Dâm ô chỉ áp dụng với đối tượng xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật hình sự và phải có hành vi xâm phạm vào cơ quan sinh dục của nạn nhân hay bắt nạn nhân phải có hành vi vào cơ quan sinh dục của thủ phạm.
Tôi cho rằng quy định như vậy là cứng nhắc, bất cập, dẫn tới việc khó xử lý các hành vi quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục, dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng trên thân thể nạn nhân, song, ảnh hưởng đến tinh thần của nạn nhân, với những di chứng khó lành suốt cả cuộc đời.
Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, có những điều chỉnh về luật pháp, nhận thức và hành động để đưa ra những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục. Không thể thỏa hiệp, hay nương nhẹ với các hành vi này”, luật sư nói.
Anh Tuấn Theo Báo Lao động