Y tế

Không để thiếu thuốc, vật tư gây ảnh hưởng cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Sáng 20/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh. Hội nghị được kết nối với hơn 700 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đối với dịch bệnh COVID-19, đến nay, cả nước đã phát hiện 10,7 triệu ca, hơn 9,5 triệu người đã khỏi bệnh. Dịch có xu hướng giảm tương đối ổn định từ cuối tháng 3/2022 đến nay. Trong những ngày gần đây chỉ ghi nhận khoảng dưới 700 ca/ngày, trong 30 ngày qua, có 21 ngày không ghi nhận ca tử vong. Đến ngày 17/6, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 64,5% và 11,5%; trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm các mũi 1, mũi 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100% và 97,7%; trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, mũi 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ lần lượt 43,3% và 7%. Theo nhận định từ WHO, thế giới đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Bên cạnh đó, các bệnh dịch hiện đang lưu hành như: sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch. Cả nước không ghi nhận các ổ dịch tập trung đối với các dịch bệnh như: sởi, sốt rét… Không ghi nhận các ca bệnh dịch nguy hiểm, mới xuất hiện như viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đậu mùa khỉ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết: đến nay, thành phố Hải Phòng đã triển khai tiêm 4.734.981 mũi vắc xin COVID-19, trong đó, người lớn đã tiêm 4.279.783 mũi (mũi 1 là 1.526.783 đạt 105,84%, bao gồm cả người ngoại tỉnh; mũi 2 là 1.473.760 mũi đạt 99,91%; mũi nhắc lại 570.922 mũi; mũi bổ sung 571.239 mũi; mũi nhắc lại của bổ sung 87.582 mũi). Đối với trẻ em từ 12-17 tuổi, thành phố đã triển khai tiêm 342.065 mũi, trong đó mũi 1 là 177.655 mũi chiếm 100%, mũi 2 là 163.652 mũi chiếm 99,98%. Đối với trẻ em từ 5-11 tuổi thành phố đã triển khai 112.511 mũi (mũi 1, chiếm 56,26%). Thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục tập trung cao cho công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế và các địa phương nhìn nhận, hiện nay, tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 có xu hướng chậm lại, dẫn đến tình trạng tồn đọng vắc-xin ở nhiều địa phương. Nguyên nhân được các địa phương chia sẻ là do người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh, một bộ phận người dân lo ngại về các phản ứng phụ của vắc-xin nên công tác vận động người dân tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong mua sắm vật tư và thuốc y tế, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng chưa hết và vẫn còn xuất hiện các biến chủng mới; các hoạt động kinh tế trở lại bình thường nên nguy cơ dịch còn tiềm ẩn. Vì vậy, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục thực hiện các nội dung theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong bối cảnh cần đẩy nhanh phục hồi kinh tế hiện nay.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những giải pháp để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh là tiêm chủng vắc-xin. Riêng về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng đối tượng tiêm mũi 4; các địa phương cần tăng cường công tác vận động để người dân chủ động tiêm chủng mũi nhắc lại; cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trong thực hiện việc tiêm chủng.

Đối với vật tư, thuốc y tế, Phó Thủ tướng khẳng định, không để thiếu thuốc, vật tư gây ảnh hưởng cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo đó, ở cấp trung ương, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần họp bàn, tháo gỡ các khó khăn về mua sắm tập trung; các bộ, ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn về mua sắm tập trung để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More