Kinh tế

Không để giá tiêu dùng tăng vọt khi cải cách tiền lương

Tại phiên họp vừa qua, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường… tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường.

Nỗi lo tăng giá các dịch vụ mặt hàng thiết yếu

Tôi chỉ dám dùng điện từ khoảng 9-10 giờ tối cho đến khi đi ngủ”, anh Nguyễn Thành Trung, một công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ. Căn phòng trọ chỉ vài chục mét vuông anh Trung thuê chỉ khoảng 1 triệu đồng, tất nhiên không có tivi, không tủ lạnh và điều hòa. “Không phải tôi không có tiền mua, nhưng mua rồi thì để đâu và quan trọng nhất là chi phí tiền điện sẽ tăng. Hiện tôi chỉ mất khoảng vài chục nghìn tiền điện mỗi tháng nhưng cũng là một khoản lớn rồi. Chỉ lo sắp tới có đợt tăng giá thì chưa biết xoay xở đâu”.

Anh Trung cũng như rất nhiều công nhân khác không thuộc đối tượng được tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương từ 1.7 tới đây nhưng cũng sẽ là những người chịu tác động nếu mặt bằng giá cả tăng.

Trên thực tế, tại Hà Nội, nhiều chủ trọ cũng đang rục rịch tăng giá cho thuê từ 200-300.000 đồng/căn. Thậm chí tại nội thành, nhiều chủ trọ tăng giá ngay sau dịp Tết ở mức 500.000 đồng khiến không ít người lao động, sinh viên chấp nhận bỏ cọc để tìm nơi ở khác để tiết kiệm chi phí.

Trong phương án cải cách tiền lương phải thể hiện được biến động giá cả và đi trước đón đầu giá cả. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhiều cử tri các tỉnh, thành mong muốn giá cả được kiểm soát khi thực hiện cải cách tiền lương. Ảnh: Hải Nguyễn

Nỗi lo tăng giá đến lớn hơn khi một số dịch vụ thiết yếu chuẩn bị thiết lập mức giá mới. Mới đây, Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng Chính phủ tờ trình dự thảo sửa đổi Quyết định 24 năm 2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Nhưng quan trọng nhất là Bộ Công Thương đề xuất EVN sẽ được quyền quyết định tăng hoặc giảm giá điện ở mức dưới 5%. Còn nếu tăng từ 5% đến dưới 10% thì Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh.

Đây là điểm mới so với trước, khi Quyết định 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3% đến 5%. Các mức tăng giá khác do các cấp trên quyết định và điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, ở cơ chế lần này, sau khi các cấp (gồm Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ) quyết định tăng giá, thẩm quyền điều chỉnh sẽ giao về cho EVN thực hiện.

Hiện chưa có thông tin cụ thể về tăng giá điện trong năm 2024, nhưng căn cứ tình hình kinh doanh của EVN thì khi đề xuất của Bộ Công Thương được chấp thuận thì giá điện sẽ tăng.

Cũng là dịch vụ thiết yếu, các dịch vụ y tế dự kiến tăng khi Luật Khám chữa bệnh đã có hiệu lực từ 1.1.2024. Theo đó, từ tháng 7.2024 sẽ tính đủ chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Như vậy, chi phí quản lý (bao gồm duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý chất lượng…) sẽ được tính thêm trong cấu phần giá dịch vụ y tế. Theo dự kiến, giá khoảng 1.900 loại dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 30%.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Cần “bàn tay” điều tiết của Nhà nước

Trao đổi với Lao Động, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, khi có điều chỉnh tiền lương, cải cách tiền lương, tăng nguồn cung tiền trên thị trường thì có tâm lý chung là tăng giá, điểu chỉnh giá.

Do vậy, khi điều chỉnh, cải cách tiền lương cần phải tính tới yếu tố trượt giá. Đồng thời khi điều chỉnh lương hưu cần phải tính cả yếu tố giá và yếu tố tăng trưởng. Trong phương án cải cách tiền lương phải thể hiện được biến động giá cả và đi trước đón đầu giá cả.

Cùng với đó, Nhà nước phải có các chính sách vĩ mô để kiềm chế lạm phát, mục tiêu là giảm tốc độ tăng của giá thành. “Nếu giá tăng ở mức quá lớn thì việc tăng tiền lương không có nhiều ý nghĩa”, ông Lợi nói và nhấn mạnh cần kiểm soát giá.

TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, kiểm soát giá trước tiên phải bằng tuyên truyền, vận động, giải thích cho cộng đồng để tránh tình trạng “bão giá”, giá cả leo thang “vô tội vạ”.

Thứ hai là phải có chính sách kích cầu, tăng sản xuất. Phát triển sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu cho thị trường trong nước. Cung-cầu gặp nhau thì sẽ kiểm soát được giá cả. Điều này cần có “bàn tay” quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Ngoài ra cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái để tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

Bố trí 562.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương từ 1.7.2024

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỉ đồng. Như vậy ngân sách đã bố trí 562.000 tỉ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024 theo Nghị quyết 27. Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024-2026 là hơn 499.000 tỉ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỉ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỉ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỉ đồng. Ái Vân

VƯƠNG TRẦN

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More