Theo quy định tại Khoản 33 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, hành vi “Không cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác” sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Nhằm giúp người sử dụng tránh khỏi những phiền phức do tin nhắn rác, cuộc gọi rác mang đến, Nghị định 14/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiều quy định, nội dung.
Cụ thể, Khoản 33 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 95 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Không cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác;
– Không cung cấp, cập nhật và chia sẻ các mẫu tin nhắn rác dùng chung cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) và các doanh nghiệp viễn thông khác;
– Không chặn lọc các địa chỉ IP/tên miền phát tán hoặc bị lạm dụng phát tán thư điện tử rác thuộc quyền quản lý của mình;
– Không thực hiện các biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên mạng viễn thông của mình;
– Sử dụng các tên định danh không phải do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) cấp hoặc đã được Bộ Thông tin Truyền thông (Cục An toàn thông tin) cấp cho tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng tên định danh đó cho phép hoặc sử dụng tên định danh sau khi bị thu hồi;
– Sử dụng tên định danh để gửi tin nhắn rác hoặc cung cấp các dịch vụ vi phạm các quy định của pháp luật theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định 14/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 27/01/2022.