Print Thứ Tư, 26/01/2022 11:00 Gốc

Hiện nay có nhiều người đang hiểu chưa đúng quy định pháp luật về vấn đề “xe không chính chủ” dẫn đến hoang mang, lo ngại bị xử lý vi phạm hành chính khi tham gia giao thông, bên cạnh đó đã có những phản ứng tiêu cực về vấn đề này.

Đi xe của người khác có bị xử phạt không?

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, không có hành vi nào là hành vi “đi xe không chính chủ” như nhiều người đề cập. Chỉ có quy định về xử phạt đối với hành vi “Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản… (xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô). Quy định tại điểm a khoản 4 và điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Do đó, những trường hợp mua, được cho, được tặng… tài sản trên nhưng không làm thủ tục sang tên theo quy định mới bị xử lý vi phạm hành chính. Cho nên, người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ bằng xe đi mượn từ người khác… thì không bị xử lý vi phạm hành chính về lỗi không sang tên xe.

Đối với xe không làm thủ tục sang tên theo quy định: Khi nào thì bị xử lý vi phạm hành chính?

Quy định tại Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xác minh để phát hiện vi phạm về hành vi không làm thủ tục sang tên xe chỉ được thực hiện qua 2 hoạt động: (1) Điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; (2) Đăng ký xe.

Như vậy, người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi được cảnh sát giao thông kiểm tra thì cần xuất trình đủ các loại giấy tờ sau, sẽ không bị xử phạt về hành vi không làm thủ tục sang tên xe, cho dù tên trên đăng ký phương tiện và CMND/CCCD của người điều khiển xe không giống nhau:

– CMND/CCCD.

– Giấy đăng ký xe.

– Bằng lái xe.

– Bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô.

– Giấy đăng kiểm xe (chỉ áp dụng đối với ô tô).

Mức xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không làm thủ tục sang tên xe

Cơ quan chức năng qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông, công tác đăng ký xe phát hiện tổ chức, cá nhân không làm thủ tục sang tên xe theo đúng quy định thì hình thức xử xử lý vi phạm hành chính được quy định như sau:

Phạt tiền theo quy định

Điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung:  Buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên. (Điểm h khoản 15 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Không có quy định lỗi “đi xe không chính chủ”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác