Theo Bộ Tài chính, CPI từ đầu năm đến nay biến động theo hướng tăng dần qua các tháng, bình quân 9 tháng tăng 3,57%. Các nguyên nhân tác động đến mặt bằng giá chủ yếu từ biến động giá thịt lợn, giá LPG, vật liệu xây dựng, điện nước, một số dịch vụ ăn uống…
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, về cơ bản, Việt Nam vẫn kiểm soát khá tốt tốc độ tăng CPI. Do đó, lạm phát bình quân năm 2018 dự kiến dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao, khoảng 3,95%.
Tuy nhiên, xuất hiện nhiều nguy cơ lạm phát có thể tăng cao hơn ngay trong những tháng đầu của năm 2019. Cụ thể, giá xăng dầu trên thế giới đang biến động khó lường, 9 tháng qua tăng mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu thế giới tăng tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,69%. Còn ở trong nước, giá xăng, dầu cũng vừa có đợt tăng giá khá mạnh từ 403 – 752 đồng/lít, kg tùy loại, mức tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác. Áp lực lạm phát cũng tăng cao hơn khi Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1- 1- 2019. Hơn nữa, nhiều hàng hóa thiết yếu của nước ta phụ thuộc vào sự trồi sụt của thị trường thế giới nên khó có thể chủ động để kiềm giữ tốc độ tăng giá.
Tại Hải Phòng, tốc độ tăng giá hiện cao hơn so với bình quân chung cả nước. Cụ thể, CPI tháng 9 tăng 0,70% so với tháng 8, tăng 4,29% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 4,36% so với tháng 12- 2017. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 4,35%. Điều đó cho thấy, việc góp phần cùng cả nước kiềm chế tốc độ gia tăng lạm phát trong những tháng cuối năm và cả những tháng đầu năm 2019 cần sớm được thành phố đặt ra và có các giải pháp phù hợp.
Trong cuộc họp bàn mới đây với 12 doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và một số địa phương vùng trọng điểm chăn nuôi trên cả nước về các giải pháp ổn định thị trường và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị kéo giá thịt lợn xuống mức 45.000 đồng/kg. Theo phân tích của Bộ NN và PTNT, chi phí 1kg thịt lợn hiện nay khoảng 35.000 – 36.000 đồng/kg, mức giá bán ra hiện nay 51.000- 52.000 đồng là lãi rất cao. Nếu để giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, thị trường bất ổn, ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều rủi ro và tác động tới CPI. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa đông, sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ. Ngoài ra, các biện pháp về điều hành tỷ giá, tiền tệ… cũng được tính đến nhằm kéo lạm phát ở mức mong muốn.
Lạm phát có tác động lớn tới đời sống kinh tế, xã hội. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Do đó, ở góc độ địa phương, là trung tâm kinh tế lớn, đông dân cư, Hải Phòng không thể chủ quan, lơ là, mà cần dự báo, tính toán, có giải pháp, trước hết là giữ ổn định thị trường nội địa, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, nhất là thịt lợn. Đồng thời tăng cường các biện pháp chống buôn lậu xăng dầu, góp phần kiềm chế lạm phát.
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 14/10/2018