Print Thứ Tư, 03/07/2019 13:09

Sáng 3.7.2019, tại cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 2, BCĐ Trung ương về Phòng, Chống thiên tai (PCTT), , Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không chủ quan với bão số 2, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo dự báo, khoảng 4h sáng mai (4.7) bão số 2 sẽ đi vào đất liền khu vực từ Nam Định đến Quảng Ninh. Vùng dự báo tâm bão nhiều khả năng là thành phố Hải Phòng. Khi vào Vịnh Bắc bộ bão số 2 sẽ mạnh hơn nhưng vẫn ở cấp 8.

Vị trí và hướng đi của bão số 2. Ảnh: NCHMF

Đây là cơn bão đầu mùa, phạm vi tác động rộng trong khu vực có nhiều hoạt động kinh tế trên biển và trên đất liền, nhất là hoạt động du lịch. Vì vậy, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cần khẩn trương rà soát lại các phương án, nhất là tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là đối với tàu vận tải vãng lai và du khách trên các đảo. Đối với mưa do hoàn lưu bão được dự báo khá lớn đe dọa ngập úng cục bộ tại đô thị các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội; sạt trượt ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Đại tá Trần Văn Đình – Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, trên đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn 1.640 du khách, trong đó có 4 khách nước ngoài, đề nghị Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin đôn đốc tỉnh Quảng Ninh đảm bảo an toàn cho những du khách này.

Đại tá Trần Văn Đình thông tin về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 2. Ảnh: Ngọc Hà

“Chúng tôi đã thông tin kiểm đếm hướng dẫn cho tổng số 56.600 tàu, với khoảng 230.000 người được thông báo hướng dẫn biết diễn biến hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Đôn đốc các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Bình Định trở ra khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Phối hợp với các ngành để tham mưu chính quyền địa phương hoàn thành công tác kêu gọi và sắp xếp neo đậu các loại phương tiện trước 17 giờ chiều nay” – Đại tá Trần Văn Đình nói.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), hiện tại, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông đang tồn tại 43 vị trí đê điều xung yếu, cần quan tâm, trong đó có 27 đoạn đê (dài 43,83km) và 16 cống dưới đê xung yếu.

Các công trình đang thi công dở dang gồm 2 cống và 4 đoạn đê nâng cấp và cứng hóa mặt đê (Quảng Ninh: 1 đê; Thái Bình: 01 cống; Nam Định: 1 cống, 2 đê; Nghệ An: 1 đê). Trong đó, cống Quần Vinh 2 (K8+420) đê biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã thi công xong phần bêtông. Cống Muối tại K17+350 đê biển 6, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã thả cánh cống đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu không chủ quan trong ứng phó bão số 2. Thông tin dự báo bão cần bám sát thực tế, thường xuyên liên tục để phục vụ công tác điều hành của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, giúp địa phương và các lực lượng cứu hộ cứu nạn chủ động các phương án ứng phó.

Đặc biệt chú ý các tuyến đê, hồ chứa xung yếu, ngập úng các đô thị. Đề phòng lũ ống sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc. Lưu ý các hoạt động kinh tế, du lịch ở khu vực ảnh hưởng bão, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ:

Quán triệt không chủ quan cho rằng gió nhẹ, bão nhẹ. Về tuyến biển đề nghị tàu vãng lai phải rất chú ý. “Kinh nghiệm qua 3 năm vừa rồi thiệt hại chủ yếu là tàu vãng lai do không nắm được thông tin luồng lạch, đề nghị Bộ Giao thông vận tải lưu ý thông báo kịp thời cho các phương tiện. Tiếp đến là tàu khách nếu chủ quan là rất nguy hiểm. Đảm bảo an toàn khu neo đậu cho các tàu thuyền, lồng bè chòi canh nuôi thủy sản không để thiệt hại về người, và chú ý khách du lịch trên các đảo trong đó có Cô Tô” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

M.M
Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Không chủ quan với bão đầu mùa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác