Nội dung trên mới được đưa ra tại cuộc họp về việc thành lập các hãng hàng không mới do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Tuấn Anh chủ trì.
Tại đây, Thứ trưởng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines và Vinpearl Air, song Thứ trưởng nhấn mạnh: Đã xây dựng dự án thì làm thế nào phải khả thi; đã quyết định tham gia vào thị trường là phải chấp hành nghiêm các quy định
Tại cuộc họp, bà Lê Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) ủng hộ việc thành lập mới cả 2 hãng hàng không Vinpearl Air và Vietravel, tuy nhiên vị này đề nghị nên rà soát lại năng lực đáp ứng của hạ tầng.
Cùng quan điểm, đại diện các Vụ: Pháp chế, Tổ chức cán bộ đề nghị làm rõ phương án nhân lực sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra sự tranh giành quyết liệt nhân lực kỹ thuật cao trong ngành hàng không.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nêu, Vietravel đã đi trước một bước khi góp vốn vào Trường Cao đẳng quốc tế Kent – một trường đào tạo nhân lực cho hàng không, trước mắt là tiếp viên, sau này có cả thợ máy và phi công.
“Về tổng thể, dự án Vietravel phù hợp với quy hoạch, với nhu cầu phát triển của thị trường, phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng hàng không và phù hợp với quy hoạch mạng đường bay”, ông Cường đánh giá. Còn với Vinpearl Air, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cũng ủng hộ và cho rằng: “Không nghi ngờ gì khả năng của Vingroup trong việc tổ chức hãng hàng không”.
Cũng theo ông Thắng, kế hoạch đưa 5-6 máy bay vào khai thác mỗi năm của Vinpearl Air là phù hợp. Về hạ tầng, việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là hợp lý. Với 6 máy bay vào năm 2020, năm 2021 lên hơn 10 máy bay, Nội Bài vẫn gánh được.
Ông Thắng cũng khẳng định cách tiếp cận thị trường của Vinpearl Air rất nghiêm túc khi đặt vấn đề nhân sự lên đầu tiên, công bố mở trường đào tạo trước khi công bố lập hãng. Hiện tại, trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.
Ngoài vấn đề hạ tầng và nhân lực, vấn đề an toàn cũng là quan tâm số 1 của những người tham dự cuộc họp. Phó Cục trưởng Võ Huy Cường cho hay, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đảm bảo duy trì năng lực giám sát an toàn hàng không ở mức cao nhất. Tuyệt đối không có chuyện cho tăng trưởng đội máy bay vượt quá năng lực giám sát an toàn hàng không.
Bổ sung thêm, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng, nếu không đảm bảo được việc giám sát an toàn, sẽ không cấp phép cho hãng hàng không, vì liên quan đến tính mạng con người. Tuy nhiên, hiện nay, theo cân đối kế hoạch vẫn sẽ đảm bảo được.
Được biết, hiện thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Đối với thị trường nội địa, 5 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác hơn 50 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc. Bên cạnh đó, những năm gần đây, lượng máy bay quốc tịch Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Hiện đã có hơn 220 chiếc máy bay quốc tịch Việt Nam. 10 máy bay phải có ít nhất một giám sát viên bay, còn nếu chủng loại máy bay mới thì chỉ 1 chiếc cũng phải có giám sát viên riêng.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 30% giám sát viên bay, còn lại là thuê phi công kỳ cựu của các hãng. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) khuyến cáo, để giữ chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) mà Việt Nam vừa đạt được vào tháng 2-2019, về lâu dài phải bảo đảm số lượng giám sát viên trong biên chế chứ không được thuê.
Đặng Nhật. Nguồn: Báo CAND