Trong bối cảnh chi ngân sách hạn chế, quỹ đất đối ứng để thực hiện dự án đầu tư dạng BT (xây dựng – chuyển giao) sắp “cạn”, thu hút vốn tư nhân theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) được TP.Hà Nội những năm gần đây xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng.
Giai đoạn 2017 – 2020, Hà Nội kêu gọi 17 dự án theo hình thức PPP với tổng vốn 802.700 tỉ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303.850 tỉ đồng. TP.HCM cũng đang phải chuyển dịch mô hình đầu tư công sang PPP, kêu gọi vốn tư nhân đầu tư vào nhiều công trình.
Mới nhất, ngày 3.4, Quảng Ninh tiếp tục khởi công dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái trị giá nửa tỉ USD theo hình thức PPP, hợp đồng BOT, do Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn SunGroup) làm chủ đầu tư. Đây là cao tốc thứ 3 của Quảng Ninh, kết nối liền mạch với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn tạo thành trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh dài gần 200 km, góp 1/10 vào quyết tâm có 2.000 km đường cao tốc trên cả nước vào năm 2020 mà Chính phủ đặt chỉ tiêu. Đáng nói, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã trải qua quãng thời gian đói vốn. Từ năm 2016, Bộ GTVT loay hoay giữa các phương án: dùng vốn ngân sách nhưng khả năng thu hồi không khả thi, huy động BOT lại khó tìm nhà đầu tư vì tổng mức đầu tư quá lớn. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đề nghị khoản vay ODA trị giá 300 triệu USD (khoảng 7.000 tỉ đồng) để làm dự án. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Quảng Ninh lựa chọn chính là huy động nguồn lực tư nhân trong nước để đầu tư dự án.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, khẳng định BOT cũng như các hình thức huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng là khuynh hướng trên thế giới. Ngay cả các nước đang phát triển, ngân sách nhà nước cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu đầu tư về hạ tầng, 2/3 còn lại phải huy động từ các nguồn khác mà cách duy nhất là thu hút vốn tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Tuấn phân tích: Cơ sở hạ tầng có 2 loại, một loại cơ bản là hạ tầng thông thường xây dựng từ thuế dân đóng, từ ngân sách nhà nước hoặc vốn vay ODA. Mạng lưới đường này chủ yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân như đi lại, vận chuyển hàng hóa… Loại thứ hai là hạ tầng dẫn dắt sự phát triển, tạo giá trị thặng dư cho kinh tế vùng, giúp người dân đi lại nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, ngân sách nhà nước không đủ đầu tư, không còn cách nào khác là kêu gọi tư nhân cùng tham gia. Cả 2 loại hạ tầng này đều quan trọng, không thể chỉ có hạ tầng cơ bản. Vì muốn kinh tế, xã hội phát triển, bắt buộc phải đi bằng hai chân, tạo ra hạ tầng vượt trội.
Đồng quan điểm, TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, nhận định hình thức hợp tác BOT là một kênh huy động vốn cần thiết trong tình hình ngân sách không thể đáp ứng toàn bộ để xây dựng cơ sở hạ tầng. Bởi nếu thiếu vốn, các công trình chỉ cần kéo dài 3 năm sẽ đội chi phí thêm khoảng 50% thì bản thân nhà nước và nền kinh tế cũng thiệt hại nặng nề.
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More