Trải qua nhiều thập kỷ trước đây, để thích ứng với điều kiện kinh tế-xã hội, cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, giá cả thì SGK được xếp vào loại hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh và giao cho NXB Giáo dục thực hiện. Trên thực tế chỉ có duy nhất NXB Giáo dục được quyền sản xuất, phát hành SGK cung ứng ra thị trường theo giá do Nhà nước quy định. Cơ chế độc quyền ấy tuy đã đưa lại những tác dụng tích cực nhất định trong việc cung ứng SGK, đáp ứng nhu cầu của thị trường phù hợp với đòi hỏi của bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước ta trong giai đoạn trước đó. Nhưng cơ chế ấy được vận hành trong một thời gian khá dài, không được thay đổi cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết và không còn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội đã thay đổi, với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nhu cầu phát triển giáo dục và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông; Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội đã có quyết định mang tính đột phá đổi mới cơ chế quản lý SGK từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; thực hiện một chương trình, nhiều SGK nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Khi các bộ SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với cơ chế xã hội hoá được “ra lò” có giá cao hơn nhiều so với giá SGK hiện hành đã “tạo sóng” trong dư luận xã hội. Mặc dù theo lý giải của Bộ GD&ĐT, các NXB, giá SGK mới cao do quy trình biên soạn SGK mới đã hoàn toàn thay đổi so với SGK cũ. Việc chuyển cơ chế khi SGK mới không còn được Nhà nước bao cấp ở một số khâu như SGK cũ mà phải thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường.
Cụ thể, chi phí đầu tư tổ chức biên soạn, xây dựng bản thảo SGK cũ được bao cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, trong khi sách mới là do các NXB tự bỏ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các chi phí xúc tiến thị trường như tổ chức giới thiệu sách tại các địa phương; tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị sách; bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách, các NXB cũng phải bỏ ra, trong khi đó, SGK cũ không phải bỏ ra các khoản chi phí này. Ngoài ra, nếu so với SGK cũ thì SGK có khổ lớn hơn, chất lượng in ấn, giấy tốt hơn, màu đẹp hơn…
Tuy nhiên, dư luận không đồng tình với việc này và cho rằng không thể tùy tiện tăng giá SGK mà thiếu sự kiểm soát của Nhà nước bởi SGK tăng giá mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng học sinh, trong khi phần đông dân số có mức thu nhập trung bình trở xuống. Sau khi dư luận lên tiếng, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có đề xuất đưa SGK vào mặt hàng được Nhà nước quản lý giá.
Đồng tình với đề xuất này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho rằng, SGK là mặt hàng thiết yếu và giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất của dự thảo Luật giá sửa đổi. Theo đó, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này vừa nhằm tạo tính cạnh tranh của thị trường, vừa góp phần hạ giá bán SGK và bảo đảm lợi ích người dân.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật giá sửa đổi chiều 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi báo cáo Ủy ban TCNS, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đều đồng thuận không quy định giá sàn SGK, chỉ quy định giá trần, để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh. Trước đó, mặt hàng này được Bộ GD&ĐT đề nghị bổ sung vào danh mục do Nhà nước định giá và Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất chủ trương này khi sửa đổi Luật giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ SGK phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hùng Quân
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More