Thể theo nguyện vọng của người dân thôn Trung Am, xã Lý Học cho cải tạo, sửa sang ao. Công trình được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, vừa khánh thành giai đoạn 1 công trình ngày 21/4. Dự kiến dịp giỗ cuối năm nay, trong mâm cơm cúng, có thêm món tương truyền lúc còn sống, Trạng Trình rất thích ăn…
Về quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo) những ngày này, thấy không khí vui tươi, phấn khởi lan tỏa khắp mọi nơi. Các bậc cao niên quây quần bên ấm chè nóng, các bà, các mẹ, các chị túm năm, tụm ba ở góc chợ…, sôi nổi bàn tán về công trình cải tạo, sửa sang ao làng. Thế là, dịp giỗ cụ Trạng cuối năm nay (ngày 28/11 âm lịch), trong mâm cơm cúng dâng lên, có món cá mè rán, tương truyền khi còn sống ngài rất thích.
Anh Lê Văn Mạnh, cán bộ văn hóa-xã hội xã Lý Học, người con của quê hương Trung Am, nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra và lớn lên, cho biết, tương truyền, trước kia, Trung Am là vùng đất cửa biển. Thôn được phù sa bồi đắp quanh những gò, đống mà thành. Ao làng là chứng tích của quá trình bồi đắp ấy, là điểm “tụ thủy” của cả làng. Người dân trong vùng vẫn truyền nhau câu chuyện về sự linh thiêng của ao. Xưa kia, khi khai ấp, lập làng, người dân Trung Am rước linh vị vị thần giữ đất Hổ Lang Hàm Rồng đi khắp nơi, nhưng ngài chẳng đồng ý “ngự” ở nơi nào. Khi đến khu vực ao làng, bỗng chiếc kiệu xoay như chong chóng. Đó là điềm cho thấy ngài “ưng” khu vực này. Sau đó, người dân dựng miếu thờ phụng, còn tồn tại đến ngày nay.
Theo các bậc cao niên nơi đây, thế đất “Rồng chầu, hổ phục”, “Quy nghênh, phượng vũ” giúp quê hương Trung Am có những người con tài đức vẹn toàn nổi danh sử sách. Trong số 6 vị được coi là thành hoàng làng, 4 người sinh ra và lớn lên ở Trung Am. Đó là các vị: Đông Tỉnh Đại Vương, vị tướng phò Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân; Long Lang Đại Vương; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trần Bá Minh (từng làm quan đến Trưởng lục khanh dưới thời phong kiến). 2 vị còn lại là Hoàng Không công chúa, con gái vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Hải Đại Vương (vị thần thường được các vùng đất ven biển thờ phụng, tôn làm thành hoàng làng).
Ao làng Trung Am xưa kia rộng hơn 3 sào, sâu khoảng 3m. Ao chưa bao giờ cạn nước, là nơi dân làng đến gánh nước về sinh hoạt. Trong ao có rất nhiều cá, lớn nhất là cá mè ta, có con nặng đến hơn 3kg. Tương truyền khi còn sống, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng nước ao sinh hoạt hằng ngày. Ngài rất thích ăn món cá mè rán được dân làng bắt trong ao. Xưa kia chưa có dầu ăn, lợn chỉ được giết mổ trong các dịp đặc biệt, như lễ, Tết, hội làng, nên người dân ít có mỡ rán cá. Họ rán cá bằng cách đặt mảnh lá chuối tươi lên trên chảo rồi đun nóng già. Sau đó, đặt cá đã được làm sạch lên trên. Cách rán không dầu, mỡ của người dân thôn Trung Am không chỉ giữ được hương vị thơm ngọt của cá, mà bảo đảm phần da vàng thơm, không dính chảo. Khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, vào dịp giỗ ngài hằng năm, các địa phương đều dâng mâm cỗ cúng. Trong đó, mâm cỗ của thôn Trung Am đặc biệt nhất. Bởi, ngoài bánh trôi, bánh dày, một số sản vật của địa phương, luôn có đĩa đầy cá mè rán theo cách xưa.
Tuy nhiên, khoảng 20 năm trước, ao bị bồi đắp, mực nước còn chưa đến 1 m, cá mè ta và nhiều loại cá khác “biệt tăm”. Lệ dâng cá mè rán trong mâm cỗ dịp giỗ ngài cũng dần mai một. Tại Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2019, kỷ niệm 434 năm Ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng là dịp diễn ra lễ hội đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các bậc cao niên thôn Trung Am đề đạt chính quyền địa phương nguyện vọng phục dựng các nghi lễ cổ, trong đó có sửa sang, cải tạo ao làng, thả cá để dâng ngài và được chấp thuận.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lý Học Lê Văn Kiều, dự án sửa sang, cải tạo ao làng và khu vực khuôn viên có tổng số vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa. Trong đó, giai đoạn 1, gồm nạo vét phần đáy, xây bờ kè và lối đi. Việc trồng cây xanh chung quanh ao sắp hoàn thiện với tổng số vốn đầu tư gần 200 triệu đồng. Khi hoàn thiện, công trình sẽ được bàn giao cho thôn quản lý, bảo vệ.
Được biết, khoản tiền đầu tư sửa sang, cải tạo ao làng giai đoạn 1 hoàn toàn do những người con Trung Am xa quê ủng hộ, trong đó, anh Trần Văn Giang, hiện trú tại quận Tân Phú (thành phố Hồ Chí Minh) ủng hộ 100 triệu đồng. Gặp anh Giang trong ngày thôn Trung Am tổ chức tổng kết công trình giai đoạn 1, anh Giang tâm sự: “Với những người con xa quê như chúng tôi nói riêng, người dân thôn Trung Am nói chung, ai ai cũng khắc sâu ghi nhớ công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và các bậc tiền nhân. Với riêng ao làng, dù xa quê hàng chục năm rồi, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ cảnh bố, mẹ, hàng xóm láng giềng nhộn nhịp gánh nước. Nhớ những trưa hè trốn nhà đi tắm ao. Nhớ gần đến dịp giỗ cụ Trạng, cả làng nô nức đem vó ra cất, chọn con cá mè to, béo nhất để rán dâng cụ. Vì thế, khi biết tin thôn dự định cải tạo, sửa sang ao để thả cá dâng cụ, dù điều kiện kinh tế không quá dư dả, tôi bàn với vợ con ủng hộ. Mọi người trong gia đình đều đồng ý, bởi không có cụ Trạng, không có các bậc tiền nhân, chúng tôi không có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày nay…”./.
Kim Bôi
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More