Nhộn nhịp xe điện
Mấy ngày này, các tuyến đường Lê Lợi và Tô Hiệu nhộn nhịp hơn thường ngày, đơn giản vì sự xuất hiện của các “thượng đế” là học sinh đến sắm xe điện. Có thể nói đây là tuyến tập trung nhiều cửa hàng bán xe hai bánh các loại lớn nhất của thành phố hiện nay, đếm sơ sơ có tới trên dưới 100 cửa hàng với quy mô to nhỏ khác nhau, phân bổ đều hai bên mặt đường.
Khảo sát cho thấy, hiện thị trường xe điện vẫn khá đa dạng kể cả về giá và kiểu dáng. Xu hướng thời trang đang được ưa chuộng là dòng xe nhái kiểu dáng xe ga, được lắp đặt bánh lốp lớn, độ lướt êm và tốc độ khá cao lên tới 50km/h, với giá bán trong khoảng từ 11 triệu đồng đến 15 triệu đồng/chiếc. Mặc dù vậy, nhóm xe này chủ yếu được bán cho học sinh nữ, còn phân khúc dành cho học sinh nam vẫn là các dòng xe được thiết kế “hầm hố” hơn.
Anh C., phụ trách một cửa hàng trên đường Tô Hiệu cho biết, so với mọi năm thì thị trường xe điện mùa nhập học khởi động sớm hơn đến nửa tháng. Trong thời gian nửa cuối tháng 6 vừa qua, bình quân cửa hàng nhà anh C. đã bán được 10 chiếc mỗi ngày. Nếu tính bình quân mỗi chiếc xe giá 10 triệu đồng, thì doanh thu cửa hàng anh C. đã có tới hàng trăm triệu đồng/ngày, “Mà chủ yếu người mua là phụ huynh học sinh” – anh C cho biết thêm.
Nói về thị trường xe điện khởi động sớm hơn so với mọi năm, theo anh C. là do năm nay xu hướng đi xe điện thời trang đang phát triển, nên phân khúc nay bị tác động bởi tâm lý giá xe tăng khi nhu cầu của học sinh lên cao. Bên cạnh đó, vì kiến thức tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao, nên những cửa hàng chăm sóc khách hàng chu đáo, tư vấn và bảo hành khá nghiêm túc càng tập trung đông người mua.
Theo chị T. chủ cửa hàng xe điện khác trên đường Lê Lợi, sau một thời gian bị chững lại, năm nay thị trường xe điện Hải Phòng đang có sự khởi động tốt, những dòng xe kém chất lượng dần bị thải loại. Từ khu vực nội thành, nhiều hướng tiêu thụ được mở ra các khu vực ngoại thành mô hình liên kết HTX tự phát rất hiệu quả, tiết kiệm đáng kể nguồn vốn và thời gian điều tra thị trường cho các nhà kinh doanh. Chị T. nói: “Trong cơ chế cạnh tranh, mình phải nói thật, bán thật thì mới giữ được uy tín tồn tại được”.
Điều này có thể thấy rõ ở các điểm bán hàng, khách hàng được hướng dẫn cặn kẽ cách thức sử dụng. Chẳng hạn như khi sạc đặc biệt tránh dốc ngược ắc-quy, không tự ý tháo dỡ các chi tiết trong thời gian bảo hành, không ngâm động cơ và ắc-quy vào nước… Bên cạnh việc bán hàng mới, cửa hàng nào cũng có thợ sẵn sàng bảo dưỡng, sửa chữa cũng như sẵn nguồn linh kiện thay thế.
Nhu cầu cấp thiết
Trò chuyện với phóng viên, ông Hoàng hiện ở đường Lạch Tray tâm sự: “Khoảng cách di chuyển đến trường ngày nay của học sinh phổ thông cũng không khác ngày xưa nhiều, nhưng cái chính là thời gian và mật độ học tăng, nên nhu cầu di chuyển của học sinh cũng tăng theo…” Vả lại, đời sống công nghiệp, cùng với nỗi lo mất an toàn giao thông, nên các bậc phụ huynh quan tâm đến phương tiện cho con em mình cũng là điều dễ hiểu.
Đơn cử như gia đình ông Hoàng, cả hai vợ chồng đều làm công nhân ở quận Dương Kinh từ sáng sớm đến tối mịt mới về, việc đưa đón con đi học là không thể. Ông có hai cậu con trai, cậu lớn học lớp 11 ở trường THPT Lê Hồng Phong, cung độ di chuyển khoảng 8km, cậu bé học lớp 8, gần hơn nhưng cung độ cũng khoảng 3km.
Vì học thêm tại trường, nên việc đi lại của hai con ông Hoàng mất 4 chiều mỗi ngày, tính cộng cậu con lớn phải đi mất 36km/ngày, còn cậu nhỏ mất 12km/ngày. Cả hai cu cậu đều tự đi đến trường bắt đầu từ năm vào THCS, và ông Hoàng đều phải sắm xe điện cho cả kể từ khi lên lớp 7.
Cũng chung một tâm trạng, chị Hoa – một cán bộ của ngành thương mại bùi ngùi chia sẻ. Con gái lớn của chị năm nay học lớp 9, con trai nhỏ học lớp 5, cả hai cháu đều học cả ngày ở trường. Đứa lớn học thêm buổi sáng từ 7h đến 10h15, chiều học chính từ 13h đến 17h, đứa nhỏ học ngược lại nên buổi chiều về vào lúc 16h.
Vợ chồng chị Hoa đều làm giờ hành chính nhưng không thể đưa đón con hai buổi mỗi ngày, vì giờ tan học không trùng với giờ tan sở và cũng hay thất thường. Tính toán cân nhắc kỹ, vợ chồng chị quyết định sắm phương tiện cho các con tự di chuyển, đứa lớn dùng xe điện, còn đứa nhỏ dùng xe đạp.
Kết quả tham khảo ý kiến nhiều phụ huynh khác cũng cho thấy, lượng học sinh tự đi lại bằng phương tiện riêng đến trường hiện chiếm tỷ lệ rất lớn. Mấy năm gần đây, xe đạp dần được thay thế bằng xe gắn động cơ, không hẳn là trào lưu mà bởi áp lực về thời gian học, cung độ di chuyển của các cháu.
Trở lại với thị trường, hiện ngoài xe điện thì học sinh bậc THPT còn thêm sự lựa chọn là các mẫu xe máy dưới 50cc (loại không cần bằng lái). Khảo sát cho thấy, cũng là mẫu xe HondaClub 50, nếu là hàng chính hãng của Nhật Bản thì giá tới 80 triệu đồng, đắt ngang một chiếc Honda SH 125 chính hãng lắp ráp tại Việt Nam.
Tương tự, hàng nhập khẩu chính hãng khác như Honda Metropolitan có giá khoảng 50 triệu đồng, Honda Scoopy Crea khoảng 60 triệu đồng, Honda Zoomer khoảng 70 triệu đồng, Benelli Pepe trên 30 triệu đồng… Trong khi đó cũng gắn thương hiệu trên, nhưng một số dòng xe nhái ở phân khúc thấp tại Hải Phòng có giá chỉ từ trên 10 triệu đồng/chiếc.
Phân khúc xe 50cc có giá tầm trung nhưng chất lượng khá ổn định thuộc về các thương hiệu Đài Loan. Mấy năm trước, SYM đưa ra 2 dòng xe Angela và Elegant đều trên 15 triệu đồng/chiếc, nhưng mẫu thiết kế chưa đủ thuyết phục các khách hàng “choai choai”. Gần đây, SYM giới thiệu thêm 2 dòng xe khác là Elite (nữ) giá trên 20 triệu đồng/chiếc và Amigo (nam) trên 16 triệu đồng/chiếc.
Còn một thương hiệu Đài Loan khác là Kymco, đưa ra các sản phẩm Like, Candy đều có giá trên 20 triệu đồng/chiếc, và Many có giá 30 triệu đồng/chiếc, tiếp đó hãng này tung ra dòng xe K-pipe 50 với dáng thể thao khá đẹp dành cho nam, dùng cần số, có giá mềm hơn là 20,5 triệu đồng.
Mặc dù có nhiều lựa chọn nhưng các dòng xe máy 50cc “dùng được” hiện nay đều có giá được cho không tương xứng với nhu cầu vài năm học của học sinh cuối cấp phổ thông. Hơn nữa, các dòng xe dạng này đang bộc lộ nhiều bất cập về nguồn gốc, chẳng hạn như các dòng xe nhái HondaClub 50 có giá thấp chỉ từ 11 triệu đồng đến 14 triệu đồng đều rất đáng hồ nghi về “lý lịch”, dù được quảng bá lắp ráp từ linh kiện chính hãng…
Các thương hiệu chính hãng cao cấp như Honda (Nhật), Benelli (Ý) cũng chưa có cửa hàng phân phối chính thức. Trong khi các thương hiệu Đài Loan như SYM hay Kymco thì hiện cả thành phố cũng chỉ có một nhà cung cấp chính hãng trên đường Nguyễn Văn Linh.
Một phụ huynh bộc bạch có phần bức xúc: “Theo thông lệ thì xe cùng một hãng, phân khối càng thấp giá càng rẻ, vậy mà loại dành cho các cháu đắt như thế không chấp nhận được”. Vẫn biết vậy, nhưng âu đó cũng là sự vận động tất yếu của quy luật cung cầu.
Gia Lê
Sáng 27/11, UBND quận Ngô Quyền phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý…
Chiều 27/11, diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc…
Sáng 27/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Liên đoàn Lao…
Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về phương án…
Gần 300 lượt người lang thang trên đường phố được thu gom vào các cơ…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More