Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:46

3 năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và cải tạo chỉnh trang đô thị, tạo nên sự đổi thay nhanh chóng từ thành thị tới nông thôn. Kết quả này do ngân sách đầu tư một phần nhưng phần lớn và quan trọng nhất là sự tích cực tham gia của các tổ chức, đơn vị và người dân. Càng ấn tượng hơn khi người dân hồ hởi, phấn khởi, tự nguyện đóng góp kinh phí, vật tư, ngày công để làm nên những công trình ý nghĩa, để đời ngay trên mảnh đất quê hương. Phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng được vận dụng nhuần nhuyễn, biến thành chủ trương, nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố và các chương trình, kế hoạch của UBND thành phố, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, giải quyết được nhiều việc khó, điểm nghẽn trong quá trình phát triển.

Kỳ 1:

Một vốn… mười “lời”


Thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới, 3 năm (2016-2018), Hải Phòng dành khoản kinh phí khoảng 700 tỷ đồng, tương đương với gần 500.000 tấn xi măng. Từ sự hỗ trợ này của thành phố, các địa phương huy động xã hội hóa 2700 tỷ đồng nữa và làm nên 3321 km đường thôn xóm, đường nội đồng. Như vậy, tổng kinh phí bỏ ra cho 3321 km đường này chỉ khoảng 3400 tỷ đồng, trong khi theo định mức của Bộ Giao thông – Vận tại, Bộ Xây dựng cần tới khoảng 11.700 tỷ đồng. Những con số đó đã cho thấy rõ hiệu quả từ cách làm của Hải Phòng, khi ý Đảng hợp lòng dân tạo nên sức mạnh diệu kỳ.



Hàng nghìn ki-lô-mét giao thông và nội đồng tại các huyện ngoại thành được xây dựng theo cơ chế hỗ trợ xi măng của thành phố, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Ảnh: Hoàng Phước

 

Từ chủ trương táo bạo, hợp lòng dân

Từ năm 2012, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 06 về xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Quá trình thực hiện vẫn luôn gặp những bó buộc về nguồn lực khi chi tiêu ngân sách ngày càng hạn chế và chặt chẽ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ. Vì thế, từ năm 2015, với quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng dồn lực, dành 1000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, gấp gần 7 lần so với 3 năm trước. Trong đó, có 500 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp bằng xi măng, 500 tỷ đồng bằng tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã có khả năng về đích trong năm 2015, triển khai mới hoặc tiếp tục thực hiện các đề án phát triển sản xuất.

Có thể nói, đây là một quyết sách táo bạo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nơi có tới hơn 60% dân số đang sinh sống. Nhưng mục đích sâu xa từ chủ trương này của Thành ủy Hải Phòng là từ nguồn vốn này, các xã, các huyện sẽ huy động thêm được nhiều nguồn lực khác – từ doanh nghiệp, từ người dân, từ ngân sách các địa phương thêm gấp đôi, gấp ba nữa cho phát triển để nông thôn Hải Phòng thực sự khởi sắc. Ngay lập tức, chủ trương của Thành ủy đi vào cuộc sống, được người dân hồ hởi đón nhận. Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng rãi tại tất cả các huyện, xã, thị trấn. Chỉ sau 1 năm, Hải Phòng hoàn thành 1.366 km đường thôn xóm, đường nội đồng, làm thay đổi cả diện mạo nông thôn Hải Phòng, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân.

Từ thành công lớn này, năm 2016, Thành ủy Hải Phòng tiếp tục rút kinh nghiệm, có nhiều chỉ đạo sâu sát, thiết thực hơn với chương trình, chỉnh sửa, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tế. Sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 136 ngày 22-8-2016 của HĐND thành phố về điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; NQ số 151 ngày 13-12-2016 của HĐND thành phố và Quyết định số 575 ngày 15-3-2017 của UBND thành phố về kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2020. Chương trình hỗ trợ xi măng tiếp tục được thực hiện rộng khắp tại các huyện. Cùng với đó, căn cứ vào mục tiêu các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm, thành phố tập trung nguồn ngân sách phân bổ cho các xã này, khuyến khích, động viên huyện, xã huy động thêm nhiều nguồn lực khác để hoàn thành các tiêu chí. Từ đó, Hải Phòng tạo ra được sự gắn kết chặt chẽ giữa nguồn lực ngân sách và nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu mà NQ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 đề ra, phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước năm 2020.

 

Một ngày bằng mấy mươi năm hỡi người…

Có thể khẳng định, 3 năm qua là một bước nhảy vọt của Hải Phòng trong xây dựng nông thôn mới. Thôn, xóm, làng, xã náo nức, dồn dập đăng ký xi măng và huy động toàn thể các hộ dân cùng tham gia; các huyện thi đua, các xã thi đua, làng trên xóm dưới  bảo nhau góp sức góp công cùng thành phố để không thôn nào, xóm nào bị tụt hậu. Bởi thế, về nông thôn Hải Phòng bây giờ, đường thôn xóm, đường nội đồng hầu hết đều được trải bê tông phẳng lỳ. Từ các huyện xa xôi như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng tới An Lão, Kiến Thụy, An Dương, Thủy Nguyên và ngay cả huyện đảo Cát Hải, mỗi ngày, đường nông thôn lại đổi khác,  những con đường đất ngày xưa đầy rẫy ở nông thôn bây giờ trở thành hiếm hoi và chắc chắn sẽ mất hẳn trong thời gian ngắn nữa.

Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Trần Đình Vịnh đánh giá, chủ trương hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn là một khâu đột phá và mang lại hiệu quả to lớn, bao trùm về nhiều mặt đối với các huyện, đặc biệt là huyện Tiên Lãng vốn trước đây có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng nông thôn. Bây giờ, người dân có thể đánh ô tô, đi xe máy ra tận ruộng. Cũng như vậy, ô tô vào tận sân nhà hoặc chí ít cũng đỗ sát ngõ tại hầu hết các nhà dân ở nông thôn. Biệt thự, nhà nhiều tầng liên tiếp mọc lên. Còn theo Phó chủ tịch UBND huyện An Dương Nguyễn Trường Sơn, tại các xã như An Hòa, Hồng Phong…, nhiều khu dân cư làng nay đẹp hơn phố, hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Đường giao thông là mấu chốt, là yếu tố chủ yếu để từ đó tạo ra những thay đổi toàn diện về các cơ sở hạ tầng khác như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Quan trọng hơn cả, khi đường đi lối lại thuận tiện, hàng hóa, nông sản của bà con nông dân được các thương lái đánh xe về tận nơi thu mua hoặc chuyên chở về nhà, đi tiêu thụ bằng các phương tiện cơ giới cực kỳ thuận lợi. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ làm đất bằng máy tại Hải Phòng hiện đạt 100%. 100% khối lượng lúa được ra hạt và xay bằng máy. 64% diện tích gieo trồng được tưới tiêu chủ động. 30% số trang trại chăn nuôi có giàn làm mát, hệ thống cấp nước uống, thức ăn tự động…

Đặc biệt, hệ thống giao thông thuận tiện là một trong những yếu tố quan trọng nhất để nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các khu sản xuất tập trung tại Hải Phòng. Tiêu biểu là Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao Vin Eco tại huyện Vĩnh Bảo. Tới nay, toàn thành phố có 8 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư 1170 tỷ đồng; 14 doanh nghiệp đang khảo sát, tìm hiểu để đầu tư. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn thành phố có 20.340 ha diện tích sản xuất tập trung, trong đó có 250 ha ứng dụng công nghệ cao, đạt giá trị sản xuất bình quân năm 2017 là 245 triệu đồng/ha/năm. Đây là bước chuyển nổi bật trong phát triển nông nghiệp của Hải Phòng.

Rõ ràng, cơ chế hỗ trợ xi măng trong xây dựng nông thôn mới là cú hích, là cách làm rất riêng, mới của Hải Phòng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Giao thông thuận lợi có tác động tích cực tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cũng như mọi mặt sinh hoạt trong đời sống cho bà con nông dân.

 

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: kết quả xây dựng nông thôn mới  là thành công nổi bật của Hải Phòng, tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm vốn đầu tư và đặc biệt là huy động được sức dân, huy động được nguồn lực xã hội hóa với sự đồng thuận cao của nhân dân. Nhờ thế, đến hết năm 2018, Hải Phòng sẽ có 89 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 50 xã còn lại đang đồng loạt triển khai và sẽ hoàn thành 100% vào năm 2019. Như vậy, thành phố về trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 đề ra.

 

(Còn tiếp)

Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 08/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Khó muôn lần dân liệu cũng xong”:  Cách làm sáng tạo từ Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác