Người tiêu dùng Hải Phòng gần đây đã quá quen thuộc với sự ra đời của các cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan, hàng Hàn Quốc, hàng Nhật Bản… trên các đường phố, thậm chí cả trong các ngõ ngách. Trong đó, các cửa hàng bán đồ Nhật Bản nhan nhản, chủ yếu do người Việt làm chủ. Tại đây có đủ các mặt hàng, từ cây kim sợi chỉ tới các đồ dùng gia đình, đồ làm bếp, đồ nhựa, quần áo, may mặc, thuốc men, thậm chí cả bát, đũa, chè xanh, rượu… Hàng Thái Lan thì ê hề, bất cứ đâu cũng có, thậm chí còn tràn về cả các làng quê.
Như vậy, sau làn sóng hàng Trung Quốc những năm trước đây thì hàng hóa của một số quốc gia trong khu vực đã tràn sang chiếm lĩnh thị trường nội địa. Đây là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, khó có thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính nên đang là một nỗi lo lớn đối với hàng Việt. Loại trừ hàng Trung Quốc kém chất lượng, cho dù giá rẻ nhưng đã bị một lượng không nhỏ người tiêu dùng Việt quay lưng thì hàng Thái, hàng Hàn Quốc, hàng Nhật Bản quả thật là những đối thủ rất đáng gờm về mọi mặt, cả về giá cả cũng như chất lượng, mẫu mã. Một tỷ lệ khoảng 20% người Việt Nam có mức thu nhập khá và cao, chiếm khoảng 60-70% lượng chi tiêu đang dành nhiều sự quan tâm cho hàng ngoại và khi hàng ngoại len lỏi, lấn lướt như hiện nay thì quả thật là một sự cảnh báo khá cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt. Trong đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng như máy xay sinh tố, nồi cơm điện, phích nước nóng… bán rất chạy.
Trong khi đó, cho dù đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều nhưng do nhiều nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn phải thừa nhận rất khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại. Ngay cả dầu ăn, mì chính là mặt hàng thông thường nhưng nhiều người vẫn ngại về chất lượng nên chấp nhận bỏ nhiều tiền hơn để chọn hàng Nhật Bản.
Cũng là một xu hướng mới khi hàng Đức, Mỹ, Anh, Úc… cũng đang rât phổ biến trên thị trường và đã chiếm thị phần đáng kể qua hình thức bán hàng online. Chỉ cần xem, chọn, ghi địa chỉ là hàng ship tới tận nơi, xem hàng xong mới trả tiền.
Như vậy, có thể thấy, lý do hàng ngoại vẫn có thể chen chân, chiếm lĩnh thị trường nội địa là do chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng. Nói gì thì nói, quạt điện, máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, ti vi, bếp gas, bếp từ, thậm chí cả nồi niêu xoong, chảo và đặc biệt là mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa… thì người tiêu dùng đã có sự cảm nhận và so sánh. Nhưng vấn đề mấu chốt nhất vẫn là chất lượng và uy tín. Bởi lẽ, khi chất lượng hàng nội chưa ổn định, cùng một chiếc quạt, một chiếc xe đạp nhưng hàng nội dùng mau hỏng, hàng ngoại độ bền lên tới hàng chục năm thì rõ ràng người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng ngoại. Hơn nữa, khi hệ thống quản lý về chất lượng của họ thật sự vô cùng nghiêm ngặt thì các doanh nghiệp Việt cũng không thể làm ngơ hoặc làm qua loa được nữa, cần phải hướng tới mục tiêu lâu dài, mang lại yên tâm cho người sử dụng thì mới có thể có chỗ đứng chắc chân trên sân nhà.
Hiện Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do. Tất cả các hiệp định này đều yêu cầu xóa bỏ thuế nhập khẩu, dự kiến lên đến 90-100% với các loại hàng hóa của họ xuất vào Việt Nam. Hàng loạt doanh nghiệp Việt sẽ biến mất khỏi thương trường nếu cứ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay là điều không quá khó hiểu. Bởi vậy, chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập./.
Hồng Thanh