Kể từ ngày vua Bảo Đại cởi hoàng bào thoái vị, chế độ phong kiến nước ta đã tiêu vong 77 năm, nhưng tư tưởng “phụ nữ phải lo việc nhà” còn ăn sâu trong tiềm thức nhiều người. Giờ đây, vai trò truyền thống này dần được chia sẻ cho phái mày râu, một phần vì tư tưởng tiến bộ xã hội, còn lại là do sự phát triển của đời sống công nghiệp đặc thù.
Hay ăn thì lăn vào bếp…
“Tôi là người thích được vào bếp, có lẽ bởi nghề đã thấm vào máu…”, đấy là tâm sự của ông Minh ở ngõ Nam Pháp (Đằng Giang, Ngô Quyền). Ông Minh cho biết, sáng nào đi tập thể dục về ông cũng lượn qua chợ Cầu Rào, mua thì ít thứ thôi nhưng dường như chỗ nào cũng muốn sà vào, nên giá cả thực phẩm lên xuống hàng ngày ông đều rõ. Có khi đi chợ to chưa đủ, ông Minh còn la cà thêm ở nhiều chợ tạm, chợ cóc khác khảo giá để so sánh những thứ đã mua.
Theo lời kể của ông Minh thì vốn dĩ ông là cấp dưỡng từ thời còn bộ đội, rồi chuyển ngành về làm đầu bếp cho một nhà ăn tập thể. Từ ngày nghỉ hưu, ông Minh gom vốn mở hàng cơm, mấy năm nay mắc căn bệnh thoái hóa cột sống, đành nghỉ ở nhà.
Đúng là máu nghề, ngày nào không đảo qua chợ được một lần là ông không chịu được, “Cả chợ Cầu Rào, chợ Đồng Quốc Bình hay chợ An Đà gần nhà, tôi quen hết những người bán hàng, nếu cần mua chịu tiền triệu cũng được…”, ông Minh quả quyết khẳng định.
Nhưng không phải người nào cũng có xuất thân vị nghề như ông Minh, mà thời buổi bây giờ đàn ông đi chợ mua thức ăn không còn là chuyện hiếm. Chẳng bù cho ngày xưa, cái thời phong kiến đàn bà “chân cắn miệng đá, bước không qua cửa nhà chồng”.
Đàn ông luôn được coi là trụ cột, với vai gia trưởng chỉ toan tính việc xã hội, còn phần nội trợ là thiên chức của người vợ, chẳng mấy khi có người chồng nào màng đến. Giờ đây, nhìn bằng mắt thường trong các siêu thị cũng như chợ truyền thống, số lượng khách đàn ông đi mua sắm chiếm tỉ lệ không hề nhỏ.
Cũng có khi cả gia đình cùng đi, nhưng quyền lựa chọn hàng hoá đàn ông chiếm đến phân nửa, mà lạ hơn nữa khi chị em mải mê ngắm chọn mỹ phẩm, quần áo, thì cánh đàn ông nhà ta lại chăm chú vào hàng thực phẩm.
Lý giải về chuyện này, chị Mai phường Hàng Kênh (Lê Chân) dè môi: “Vì các ông ấy đi ăn uống phè phỡn nhiều nên mới biết thứ gì ngon, như nhà tôi vợ mua gì về cũng bị chồng chê, nên giờ tôi cứ mặc kệ, nhàn cho cái thân mình…”.
Hoặc như trường hợp anh Đông, giáo viên môn giáo dục thể chất của một trường trung học phổ thông. Vì kết hôn muộn, mấy chục năm ở độc thân món gì cũng tự làm lấy nên quen miệng, mãi đến năm gần 40 tuổi anh mới lấy vợ, mặc dù chê vợ nấu chẳng món nào nuốt trôi miệng, nhưng xem ra anh Đông vẫn giữ định kiến rằng, nấu ăn phải là thiên chức của phụ nữ, nên vợ vụng thì phải dạy.
Hết thời gian dạy học sinh ở trường lại thêm ngày mấy bữa về dạy vợ, vậy nhưng cưới được hơn chục năm rồi mà chẳng mấy ngày anh Đông không điểm danh thần bếp. Anh Đông kết luận: “Thời buổi bây giờ, phụ nữ lấy chồng ít khi phải làm dâu, thành ra mình thay luôn việc của mẹ chồng, nhưng ngẫm lại chỉ mẹ chồng mới dạy nổi mấy việc bếp núc, chứ chồng dạy khó vào lắm…”.
Và do hoàn cảnh nó thế!
Những mẫu đàn ông kể trên có lẽ do “thân làm tội đời” mà phải vậy, nhưng thời buổi hiện đại không phải đàn ông nào cũng thế. Như anh Linh, một cán bộ của ngành văn hóa, ngày nào đi làm về chiếc mắc xe máy của anh cũng treo đầy ứ ự, hôm thì rau thịt, lúc thì đường sữa, mì chính hoặc gạo muối…
Khi được hỏi, anh nheo mắt hài hước: “Vợ mình không thoải mái thời gian bằng mình, tiện đường rẽ vào trường học đón con rồi đi chợ giúp vợ, về nhà còn tiết kiệm được thời gian dành cho việc khác chứ…”.
Đi chợ là một nhẽ nhưng ngay cả việc nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, lau nhà… cũng ngày càng nhiều đàn ông tự nguyện gánh vác. Có lẽ trong cuộc sống hiện nay ở đô thị, các thiết bị nội trợ phong phú và tiện dụng mua sắm không mấy khó khăn, nên ít người ngại như trước.
Hơn nữa theo anh Linh, đàn ông vào bếp vừa là một thú vui, lại vừa có tác dụng trị liệu giảm Streess, “Đấy là lý do mà đầu bếp trứ danh đa phần là đàn ông, không tin các ông cứ thử làm như tôi xem!”, anh Linh nói chắc như “đinh đóng cột”.
Khi nói về công việc bếp núc, nhiều người đàn ông đều cho rằng đấy cũng là “tài sản chung” của cả hai vợ chồng, bởi vậy họ không còn thấy xấu hổ khi ra chợ mặc cả con cá mớ rau nữa.
Ông Bính nhà ở đường Đình Đông (Lê Chân) trước kia từng làm giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước, cơ chế thay đổi nên ông nghỉ hưu sớm. “Dương suy thì âm thịnh”, vợ ông Bính vừa được đề bạt lên chức Phó Giám đốc một Sở của thành phố.
Thế là ngày hai buổi ông Bính làm bạn với mấy “ông đầu rau”, cơm nóng canh ngọt xong ông lại ra quán nước đầu ngõ tán dóc cùng mấy bạn hưu đợi vợ con về. Ông bộc bạch: “Còn trẻ cả hai vợ chồng đều phấn đấu, đường sự nghiệp mình kết thúc cũng phải để cho vợ mình đi nốt phần còn lại chứ”. Nhận xét về ông Bính, bà chủ quán nước ở đầu ngõ nói: “Hiếm có người nào được như ông ấy, ngay đàn bà cũng chẳng ai bằng, lấy chồng như thế mới là chồng!“.
Mặc dù vậy, hiện không ít đàn ông phải lo nội trợ lại do hoàn cảnh, nhất là ở nông thôn. Nguyên nhân là nhiều nhà máy chỉ thích tuyển dụng phụ nữ, bởi lẽ “Phụ nữ thuần hơn, ít nghiện ngập và nổi máu côn đồ, khi xảy ra tranh chấp dễ thỏa hiệp hơn đàn ông”.
Nên số lượng lao động nữ thường chiếm tỉ lệ rất cao, ngoại trừ số chưa kết hôn, còn lại gần như 100% những công nhân nữ khác đều “dành” phần nội trợ cho các đấng mày râu.
Anh Toàn ở xã Trường thành (An Lão) làm xe ôm ở thị trấn An Lão, vợ làm ở nhà máy giầy Sao Vàng ở thị trấn Trường Sơn, công việc hàng ngày của anh đều đặn thành lịch: Sáng cho con ăn, đưa đi nhà trẻ rồi ra ngã tư huyện đón khách; Trưa ăn cơm hàng; Tối đón con về rồi tạt qua chợ mua thức ăn, nấu xong cho con ăn trước và đợi đến 9 hoặc 10h đêm ra cổng nhà máy “ôm” vợ về.
Tuy nhiên cũng có những câu chuyện dở khóc dở cười, khi chị em mải việc mà quên “thiên chức”, như trường hợp chị Lan làm cùng với vợ anh Toàn nói trên, quả là vô tâm đến khó tin.
Số là nhà chị Lan ở Tứ Kỳ (Hải Dương), vì cố xây cái nhà nên đành để ruộng vườn và 3 đứa con cho chồng lo, thuê nhà trọ ở thị trấn Trường Sơn (An Lão) lầm lũi đi làm kiếm tiền trả nợ. Mới đây nhận được điện của chồng nhắn gửi tiền về đóng cho con gái út vào tiểu học, chị vợ mới giật mình vì cứ ngỡ con mình vẫn còn đang mẫu giáo?…
Chuyện những người đàn ông nội trợ thời buổi này kể mãi cũng chả hết, nhưng nhìn ở khía cạnh khác thấy rõ thực trạng, là vai trò chia lực “trụ cột” của phụ nữ ngày càng quan trọng. Hơn thế tư tưởng đàn ông giờ đây có vẻ như cũng thoáng hơn nhiều, bình đẳng giới trong quan hệ gia đình đã được khẳng định, âu cũng là dấu hiệu tích cực của một xã hội hiện đại.
Lê Minh Thắng