Print Thứ Bảy, 11/06/2022 14:10 Gốc

Hiện nay, Hải Phòng chỉ có rất ít nơi triển khai xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, lao động. Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ của người lao động luôn là vấn đề thường trực, cấp thiết, giúp họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, thành phố.

Thiếu trầm trọng nhà trẻ cho con công nhân

Lớp học mầm non đặt cạnh cổng nhà máy giầy Liên Thuấn (quận Dương Kinh) một chiều tháng 6, từng tốp con công nhân, lao động đang học hát múa, rộn tiếng cười vui. Công ty TNHH Đỉnh Vàng là một trong doanh nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng có xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, lao động.

Nhóm trẻ được thành lập từ năm 2011, hiện có 4 lớp, với hơn 70 con công nhân, lao động theo học. Mỗi tháng, người lao động chỉ phải trả 300.000 đồng để gửi trẻ tại đây, thấp hơn rất nhiều so với chi phí cho con theo học tại các trường mầm non công lập, tư thục trên địa bàn.

Theo bà Bùi Thị Hợp, Chủ tịch Công đoàn Công ty, người lao động rất vui, hoàn toàn yên tâm khi con theo học tại nhóm trẻ vì các cô trông theo giờ làm việc của bố mẹ, bố mẹ đi làm về muộn, tăng ca, làm thêm ngày cuối tuần các cô vẫn trông trẻ theo nhu cầu. “Tuy nhiên, vì đây là nhóm trẻ nên số lượng trẻ theo học bị hạn chế, trong khi đó, nhu cầu của người lao động là rất lớn. Nhiều người lao động tỉnh xa, xuống công ty làm việc rất mong có nơi gửi con để yên tâm công tác“, chị Hợp cho biết.

Ngoài Công ty TNHH Đỉnh Vàng, Hải Phòng hiện còn 2 đơn vị có bố trí nhà trẻ cho con công nhân, lao động ngay trong khuôn viên nhà máy. Đó là Công ty TNHH May Thiên Nam (Quận Dương Kinh) và Công ty TNHH Sao Mai (huyện Vĩnh Bảo). Các đơn vị này đều đã bố trí và duy trì mô hình nhà trẻ tại doanh nghiệp từ nhiều năm nay, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm, làm việc lâu dài. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, số lượng đơn vị xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, lao động tại Hải Phòng là rất thấp.

Nhóm trẻ con công nhân Công ty TNHH Đỉnh Vàng trong giờ học. Ảnh: Mai Dung.

Nhu cầu cấp thiết của người lao động

Chị Trần Thị Thu (30 tuổi, quê Thanh Hoá, hiện là công nhân nhà trọ tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo) chia sẻ: Vợ chồng chị Thu đều là công nhân, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Số tiền trên chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho cả nhà, tiền gửi trẻ cho con gái hơn 2 tuổi nên vợ chồng chị hầu như không có khoản tiền tích luỹ. Muốn đi làm thêm để tăng thu nhập nhưng chị Thu cũng phải cân đối vì không có người trông con ngoài giờ học.

Mong muốn của lao động có con nhỏ là doanh nghiệp bố trí được nhà trẻ cho con công nhân hoặc thành phố quan tâm, xây dựng nhà trẻ, thiết chế công đoàn cho người lao động tại các khu vực có đông công nhân, lao động, để người lao động ngoại tỉnh có điều kiện ở lại thành phố làm việc, ổn định cuộc sống”, chị Thu cho biết.

Hiện, TP.Hải Phòng có khoảng 500.000 công nhân, viên chức, lao động đang làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên đến nay, thành phố vẫn chưa có khu thiết chế công đoàn bao gồm nhà ở, nhà trẻ, khu thể thao… cho công nhân, lao động.

Các cấp Công đoàn TP.Hải Phòng mong muốn các cấp ngành, UBND thành phố quan tâm, triển khai Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” tại Hải Phòng. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà trẻ, khu thể thao, vui chơi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động thành phố”, bà Đào Thị Huyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng, cho hay.

M. Dung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Khát” nhà trẻ cho con công nhân, lao động TP.Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác