Ngày 13/11, Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Nguyễn Phương Tuấn làm Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam tiếp và làm việc với Đoàn.
Giai đoạn 2018-2022, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các chương trình: Nghiên cứu khoa học và Phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thành phố; Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ (KHCH) thành phố; Đổi mới công nghệ thành phố các giai đoạn; Kế hoạch Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hải Phòng trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố; Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố…
Các chương trình, kế hoạch này tập trung vào hỗ trợ, định hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hình thành nguồn tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố, tạo nguồn cung cho thị trường. Mặt khác, các hoạt động trong khuôn khổ các chương trình, kế hoạch trên đã hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiếp cận với thị trường khoa học công nghệ trong nước và quốc tế, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trong đó, Chương trình đổi mới công nghệ thành phố là chương trình chủ đạo trong thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết: Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng Hải Phòng đi đầu về CNH-HĐN; Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố cũng xác định ba trụ cột kinh tế của Hải Phòng là: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển-logistics và Du lịch-Thương mại; vì vậy Hải Phòng đã xác định việc phát triển KHCN là nhiệm vụ hàng đầu. Giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covidd-19 thành phố vẫn tiếp nhận 300 Đề án về KHCH, trong đó tỷ lệ ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn là 75% cho thấy sự quan tâm của thành phố đã giúp thị trường KHCN có sự phát triển. Tuy nhiên để thị trường này có bước phát triển đột phá, thành phố kiến nghị Quốc hội đưa vấn đề chính sách, thủ tục đầu tư cho KHCH ra thảo luận để tháo gỡ cho địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao những kết quả mà thành phố đã làm được trong thời gian qua, điển hình là việc Hải Phòng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KHCN giúp cho thị trường này phát triển. Tuy nhiên với tiềm lực của Hải Phòng thì ngân sách chi cho KHCN vẫn còn thấp, đề nghị thành phố quan tâm dành ngân sách thích hợp hơn nữa cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đề nghị thành phố bổ sung phụ lục ở phần kiến nghị của báo cáo; chỉ rõ ngân sách cho KHCH ở phần chi thường xuyên và chi đầu tư./.
Phương Mai, Ảnh: Đàm Thanh