Print Thứ Bảy, 28/12/2019 09:57 Gốc

Sau hơn 7 tháng thi công, cầu sông Hóa nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình hoàn thành và đưa vào, sử dụng. Đây là công trình đầu tiên triển khai trên thực tế sau 4 tháng thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình ký kết giao kết hợp tác kinh tế. Cầu sông Hóa không chỉ đóng vai trò xóa bỏ cầu phao trên sông Hóa, giúp người dân đi lại thuận lợi, mà còn bảo đảm sự kết nối giao thông phía Nam thành phố với tỉnh Thái Bình, mở cơ hội giao thương, đầu tư phát triển.

Công trình của tinh thần hợp tác

Rảo bước trên cây cầu trước ngày khánh thành, ông Bùi Trọng Tuyên, 83 tuổi, đảng viên 50 năm tuổi Đảng ở xã Hồng Quỳnh, huyện Thái Thụy (Thái Bình) có cảm giác như: trong mơ. Ông kể, thỉnh thoảng có ghé thăm công trình đang thi công, nhưng không nghĩ cầu lại được làm nhanh đến thế, cứ vài ngày cầu lại đổi khác, nhịp dầm dần vươn ra sông. Giờ đây, người dân quê ông sang thành phố Hải Phòng không còn vất vả qua cầu phao sông Hóa mà đi thẳng một lèo…Cũng như ông Tuyên, nhiều người dân ở xã Hồng Quỳnh và xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) cũng vui mừng khi cây cầu được hoàn thành chỉ sau thời gian ngắn xây dựng. Hải Phòng-Thái Bình kết nối giao thông thuận tiện trên quốc lộ 37.

Để có được cây cầu như hôm nay là sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình, với mong muốn xây dựng một cây cầu vĩnh cửu trên quốc lộ 37, xóa đi cầu phao sông Hóa xuống cấp, phục vụ nhân dân đi lại ngày một tốt hơn. Chỉ sau 4 tháng hai địa phương ký kết hợp tác kinh tế, dự án đầu tư xây dựng cầu sông Hóa được thành phố Hải Phòng triển khai thủ tục và tổ chức khởi công, nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện điều kiện sống của nhân dân hai địa phương. Tinh thần chỉ đạo của thành phố đối với dự án là hoàn thành nhanh bảo đảm chất lượng, có mỹ thuật, sớm đưa vào phục vụ nhân dân được những người thợ làm cầu Hải Phòng thực hiện tốt. Cầu sông Hóa từ khởi công đến ngày khánh thành chỉ trong 7 tháng 16 ngày, gồm cả giải phóng mặt bằng.

Cầu sông Hóa trước ngày khánh thành.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, để xây dựng được cây cầu trong thời gian ngắn là sự quan tâm quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình. Cùng đó là sự phối hợp đồng bộ của các ngành của hai địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Các ngành thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ về thủ tục, bảo đảm các quy định trong đầu tư xây dựng. Ngoài ra, sự hưởng ứng, hỗ trợ của người dân trong vùng dự án tạo điều kiện các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát thường xuyên tổ chức giao ban công trường, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về vốn, nhân lực, thiết bị và vật liệu để thực hiện mục tiêu: Thi công nhanh, bảo đảm chất lượng. Cho đến nay, công trình về đích đúng hạn, được tư vấn giám sát đánh giá cao về chất lượng.

Rộng mở giao thương, thu hút đầu tư

Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu rõ: “…Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước”. Việc hoàn thành xây dựng cầu sông Hóa không những khẳng định vị thế của thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc mà còn kết nối với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình, mở cơ hội giao thương, thu hút đầu tư từ khu vực phía Nam thành phố. Từ cây cầu này, thành phố Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình mở cơ hội thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Ngày nay, huyện Vĩnh Bảo với nhiều tuyến đường đã và sẽ được triển khai đang vươn lên công nghiệp hóa, sẽ là khu vực thu hút đầu tư lý tưởng. Bên kia sông Hóa, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cũng đang dần trở thành địa phương phát triển của tỉnh Thái Bình với thế mạnh từ biển.

Cầu sông Hóa mới chỉ là sự khởi đầu cho sự hợp tác liên kết vùng. Qua Thái Bình, hàng hóa từ cảng biển Hải Phòng thuận lợi xuôi về phía Nam. Ngược lại, những hàng công nghiệp, nông sản từ Thái Bình qua Hải Phòng vươn lên phía Bắc. Không những thế, kết nối giao thông sẽ hỗ trợ kết nối du lịch giữa hai địa phương, giảm bớt áp lực giao thông qua quốc lộ 10. Tới đây, quốc lộ 37 qua Thái Bình, Hải Phòng sẽ được tiếp tục đầu tư, nâng cấp, giá trị của cầu sông Hóa sẽ được phát huy. Riêng tại thành phố Hải Phòng, chỉ vài ngày nữa dự án nâng cấp tỉnh lộ 354 qua cầu Hàn và đường nối từ ngã ba Đoàn Lập qua cầu Đăng đến quốc lộ 37 sẽ hoàn thành, càng thuận lợi hơn cho người dân qua cầu sông Hóa, rộng mở cơ hội giao thương./.

Cầu sông Hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù công trình cấp bách về bảo đảm an toàn giao thông. Dự án được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư 185,034 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố Hải Phòng là 182,004 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thái Bình là 3,030 tỷ đồng. Cầu dài 254,1 m, mặt cắt ngang cầu 12,0 m, tải trọng thiết kế HL93 (tải trọng lớn nhất), khoang thông thuyền 30 m x 6 m. Đường vuốt dốc hai đầu cầu theo theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, bề rộng nền đường 12 m. Cầu sông Hóa được khởi công ngày 12-5 và khánh thành ngày 28-12-2019./.

Mai Lâm – Ảnh: Trung Kiên/Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Khánh thành và đưa vào khai thác, sử dụng cầu sông Hóa: Mở rộng liên kết giao thông liên vùng phía Nam thành phố
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác