Chính trị

Khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước

Các cấp, các ngành nhất là các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước.

Sáng 14/9, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu khai mạc Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Tham dự có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Tổng kết Nghị quyết; đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện Thường trực các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng. Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành tổng kết các Nghị quyết của cả 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và sẽ ban hành các Nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng đến 2030, định hướng đến 2045. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì phối hợp các Bộ ngành và các địa phương triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 10/2022.

Đồng chí nêu rõ, Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 06 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 02 thành phố trực thuộc Trung ương. Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là trung tâm về khoa học-công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; có Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học-công nghệ của cả nước và có Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong bốn vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, trong quá trình tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch triển khai, đề nghị 20 Bộ ngành và 11 địa phương trong vùng tiến hành tổng kết theo Đề cương của Ban Chỉ đạo; đặt hàng nghiên cứu chuyên sâu các Viện, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương trong vùng. Mặc dù thời gian rất gấp nhưng các Bộ ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW theo Kế hoạch đề ra và hoàn thành Báo cáo tổng kết của địa phương, đơn vị mình gửi về Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở các Báo cáo tổng kết của 20 ban cán sự đảng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và Báo cáo tổng kết của 11 địa phương vùng đồng bằng sông Hồng; kết quả Hội thảo, khảo sát thực tế và ý kiến của các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các Trường Đại học; Thường trực Tổ Biên tập đã tiến hành chắt lọc, tổng hợp, xây dựng Dự thảo Báo cáo tổng kết và đã gửi xin ý kiến các Bộ ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Hình ảnh tại Hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo các Bộ ngành và các đại biểu tham gia Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến trực tiếp về một số vấn đề: thành tựu đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 17 năm thực hiện của toàn vùng và từng địa phương; Bối cảnh tình hình sắp tới, tình hình quốc tế và khu vực, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tác động đến nước ta nói chung và toàn vùng nói riêng để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ từ đó đưa ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vùng của chúng ta trong đó có Thủ đô Hà Nội là nơi đi đầu trong hội nhập quốc tế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng yêu cầu các đại biểu tham gia ý kiến về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà dự thảo Dự thảo Báo cáo đã nêu, trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển vùng và các ngành, lĩnh vực tại Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết chuyên đề khác của Trung ương, các Nghị quyết đại hội của các tỉnh, thành phố toàn vùng và bối cảnh tình hình mới.

Đặc biệt, đề xuất, kiến nghị thêm về nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho vùng. Đánh giá sâu và nhiều chiều về các tiềm năng, lợi thế, điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ phát triển của vùng, các địa phương, đặc biệt là vị trí, vai trò của vùng đồng bằng sông Hồng với cả nước để đề xuất bổ sung, điều chỉnh quan điểm phát triển và nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực phù hợp. Phát hiện các vấn đề có ý nghĩa và tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế vùng, địa phương chưa được đề cập hoặc cần làm sâu sắc hơn tại Dự thảo Báo cáo nhất là các tác động của cách mạng khoa học-công nghệ, các xu thế kinh tế mới và hội nhập kinh tế sâu rộng của vùng và cả nước.

Báo cáo tổng kết Nghị quyết do đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trình bày nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, các cấp, các ngành nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trình bày Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát huy tốt vai trò của các hành lang, vành đai kinh tế.

Quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm phát triển; nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục-đào tạo và chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên rõ rệt. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Khoa học-công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 0,86%.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Những thành tựu đạt được đã khẳng định Nghị quyết 54-NQ/TW là chủ trương đúng đắn của Đảng và đã thực sự đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Quy hoạch không gian phát triển còn bất cập; tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu kết nối, chưa bền vững, quy hoạch đô thị có nhiều hạn chế; việc cải tạo chung cư cũ và di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Hà Nội gặp nhiều khó khăn…/.

Hiền Hòa

Tin khác

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

Đối thoại trực tuyến chuyên đề với chủ đề “Mua Nhà ở xã hội cần những điều kiện gì”

Chiều 21/11, Cổng thông tin điện tử thành phố tổ chức đối thoại trực tuyến…

21/11/2024

Thông tin về việc kiểm tra vũ trường New MDM (quận Ngô Quyền)

Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy, hồi 00h15'…

21/11/2024

Truy tố kẻ tổ chức sử dụng ma túy tại bar, sàn ở Hải Phòng

Cơ quan CSĐT, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị…

20/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More