Print Thứ Sáu, 04/09/2020 14:00 Gốc

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 vừa bùng phát trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, làm gần 6.200 con vịt, gà, ngan buộc phải tiêu hủy gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi…

Dịch cúm gia cầm bùng phát tại xã Ngũ Đoàn, Kiến Thụy.

Cúm A/H5N6 bùng phát …

Tính đến thời điểm hiện tại, trang trại bị thiệt hại lớn nhất do Cúm A/H5N6 gây ra là hộ ông Vũ Hữu Huyền, thôn Tiền Anh, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố cho biết: Ngay sau khi nhận được báo cáo của Trạm Chăn nuôi & Thú y huyện Kiến Thụy về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, sáng ngày 31-8, đơn vị đã phối hợp BCĐ Phòng chống dịch bệnh động vật huyện Kiến Thụy, BCĐ Phòng chống dịch xã Ngũ Đoan tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại xã.

Tại thời điểm kiểm tra, đàn gia cầm của hộ ông Huyền có 5.751 con (2.942 con vịt; 2.809 con gà). Đàn gà được nuôi theo hình thức thả vườn, đàn vịt nuôi thả trên đầm nuôi cá. Cơ sở chăn nuôi nằm ở vùng bãi ven sông, cách biệt khu dân cư. Xung quanh có 11 hộ nuôi gia cầm, tổng số 2.660 con (564 con gà, 1.710 con vịt, 86 con ngan; 300 con chim cút và chim bồ câu).

Hộ ông Huyền cho biết: Đàn gia cầm của gia đình chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm. Ngày 15-8, chủ cơ sở mua 700 con ngan 1 ngày tuổi của thương lái, không rõ nguồn gốc về nuôi. Ngay khi mua về nuôi đến ngày 20-8, đàn ngan ốm và chết rải rác đến hết.

Tiếp đó, ngày 21-8, đàn vịt 35 ngày tuổi của gia đình cũng có biểu hiện bị tiêu chảy phân xanh, trắng, chết rải rác. Đến ngày 24-8, đàn gà có biểu hiện tiêu chảy phân xanh, trắng, ho, khó thở; chỉ sót lại đàn vịt 10 ngày tuổi còn khỏe mạnh…

Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng II – Cục Thú y xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ngay chiều 31-8, có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu bệnh phẩm trên dương tính với vi rút Cúm gia cầm A/H5N6.

Tiếp đó tại hộ ông Bùi Hữu Quang, thôn Đồng Rồi có 420 con (20 con gà, 390 con vịt, 10 con ngan). Riêng đàn vịt đã được tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm ngày 24-8.

Theo hộ ông Quang cho biết, toàn bộ đàn gia cầm của gia đình ông được mua từ thương lái, không rõ nguồn gốc. Ngày 27-8, đàn gia cầm bắt đầu có biểu hiện ốm, chết. Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Kết quả cho thấy các mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút Cúm gia cầm A/H5N6.

Dịch cúm gia cầm bùng phát tại xã Ngũ Đoàn, Kiến Thụy.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, ngày 1-9, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố tiếp tục lấy 2 mẫu giám sát tại 2 hộ chăn nuôi gia cầm xung quanh trang trại của hộ ông Vũ Hữu Huyền gửi xét nghiệm, gồm: Hộ ông Mạc Đình Ninh, tổng đàn 21 con (8 con gà nhiều lứa tuổi, 13 con ngan 1 tháng tuổi); hộ bà Vũ Thị Hằng, tổng đàn 365 con (200 con gà 2 tháng tuổi, 10 con gà 1 năm tuổi, 30 con vịt 2 tháng tuổi, 120 con ngan 2 tháng tuổi, 5 con chim bồ câu 6 tháng tuổi). Kết quả xét nghiệm: 2/2 mẫu âm tính với vi rút gây bệnh Cúm gia cầm.

Đối với các cơ sở chăn nuôi có kết quả xét nghiệm dương tính với Cúm A/H5N6 của hộ ông Huyền, ông Quang, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, BCĐ Phòng, chống dịch xã Ngũ Đoan đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của các cơ sở. Như vậy, tính đến chiều 1-9, tổng số gia cầm tiêu hủy do dịch tại xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy là: 6.171 con (3.332 con vịt, 2.829 con gà, 10 con ngan). Trong đó, số gia cầm < 1kg là: 1.995 con; gia cầm từ 1 – 2kg là: 2.260 con; gia cầm >2kg chiếm: 1.916 con, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Cùng với việc tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm có kết quả xét nghiệm dương tính với Cúm A/H5N6, lực lượng chức năng đã triển khai tiêm phòng 14.219 liều vắc xin Cúm gia cầm (Tính đến 16h ngày 1-9), bao vây ổ dịch.

Khẩn trưởng triển khai các biện pháp phòng chống dịch Cúm A/H5N6 bảo vệ đàn gia cầm.

Nguy cơ luôn rình rập…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dịch Cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát tại các cơ sở, hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm; hoặc có tiêm vắc xin, nhưng chưa đủ thời gian 21 ngày để tạo miễn dịch theo quy định. Đàn gia cầm không có miễn dịch phòng bệnh, trong khi đó chủ cơ sở, hộ chăn nuôi lại tiếp tục nhập con giống gia cầm không rõ nguồn gốc, mang mầm bệnh về nuôi bổ sung đàn mà không thực hiện đúng quy định về vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi lứa nuôi, thời gian để trống chuồng ít nhất 3 tuần trước khi tái đàn, gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi, làm dịch bệnh phát sinh, lây lan gây tác hại. Mặt khác, vùng nước nơi chăn thả thuộc khu vực bãi ven sông, thường xuyên tiếp xúc với chim di cư (nguồn mang mầm bệnh tự nhiên) cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ khiến mầm bệnh xâm nhập, gây bệnh.

Đặc biệt, theo kết quả giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm 8 tháng qua của cơ quan chức năng tại 15 chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố phát hiện: 1,09% mẫu dương tính vi rút cúm gia cầm A/H5N6 và 7/15 chợ có mẫu dương tính vi rút cúm A/H5N6. Dịch Cúm gia cầm A/H5N6 đã luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ khi nào tại các địa phương trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Thép kiểm tra các cơ sở chăn nuôi phát sinh dịch Cúm A/H5N6.

Để nhanh chóng khoang vùng, khống chế, không để dịch cúm lây lan ra diện rộng, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi & Thú y đã thống nhất cùng BCĐ Phòng chống dịch bệnh các huyện, quận triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Công văn số 1962/SNN-CN ngày 1-9-2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và triển khai Thông báo số 123/TB-SNN ngày 1-9-2020 về việc phân bổ hóa chất triển khai “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường” phòng, chống dịch bệnh động vật, phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm Đợt 2 năm 2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Theo đó, đối với xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, tổ chức giám sát chặt chẽ đàn gia cầm trên địa bàn, đặc biệt đối với đàn gia cầm nuôi xung quanh đàn gia cầm mắc bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng. Bố trí lực lượng trực 24/24h kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra – vào vùng có dịch. Tiến hành khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy gia cầm bệnh, khu vực xung quanh theo quy định. Đồng thời thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Yêu cầu các hộ nuôi nhốt quản lý chặt chẽ đàn gia cầm, không thả rông gia cầm, tạm ngừng nuôi mới gia cầm, không giết mổ gia cầm và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phát hiện, báo ngay các trường hợp gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi & Thú y và thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Tăng cường giám sát dịch Cúm gia cầm trên người, đặc biệt tại hộ có gia cầm ốm, chết và tiêu hủy do dịch; phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh báo cáo cơ quan Y tế theo quy định…

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Thép kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng dịch tại các cơ sở chăn nuôi phát sinh dịch Cúm A/H5N6.

Đối với các xã chưa có dịch trên địa bàn huyện Thủy Nguyên và các huyện, quận chưa có dịch, cần tăng cường giám sát dịch tới tận các hộ chăn nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ gia cầm, kinh doanh sản phẩm gia cầm tại địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm tại vùng dịch uy hiếp, vùng đệm và các xã chưa có dịch… Các hộ chỉ nhập về nuôi con giống gia cầm khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho gia cầm nuôi mới, hết thời gian bảo hộ miễn dịch theo quy định.

Các địa phương chú trọng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thực hiện: không giấu dịch, không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín…Tuyên truyền, vận động người buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm cảnh giác với dịch cúm gia cầm, chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi mắc cúm…

Khánh Chi

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Khẩn trương khống chế cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát tại huyện Kiến Thuỵ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác