Print Thứ sáu, 15/03/2019 07:03

Lãnh đạo 17 tỉnh, thành có dịch tả heo châu Phi đang lan rộng với hơn 23.000 con heo phải tiêu hủy phải họp khẩn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm cách khống chế

Chiều 14-3, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Tham dự có lãnh đạo UBND của 17 tỉnh, thành phố và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ NN-PTNT.

Lan vào phía Nam thì rất nguy hiểm

Theo báo cáo của ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, tính đến trưa 14-3, DTHCP đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Theo nhận định, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện DTHCP ở các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nguy cơ DTHCP lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao nếu không có các giải pháp triệt để, nhất là trong bối cảnh thời tiết thuận lợi cho virus phát triển.

Cũng theo ông Cường, một trong các giải pháp là phải tập trung phòng ngừa dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ: vệ sinh chuồng trại; tiến hành các biện pháp dập dịch theo kịch bản đã ban hành. Đặc biệt, khi phát hiện có dịch, cần báo ngay cho cơ quan thú ý để có biện pháp xử lý, đồng thời quản lý chặt chẽ vận chuyển heo, thực hiện theo quy mô từng địa phương.

“Hiện dịch đã xuất hiện tại 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, nếu không kiểm soát tốt để lây lan vào phía Nam thì rất nguy hiểm, bởi khu vực này có các tỉnh – thành trọng điểm về chăn nuôi như Đồng Nai, TP HCM. Cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một giải pháp khác là các địa phương cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ tiêu hủy đàn heo bệnh; tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách hỗ trợ, ngăn chặn tình trạng bán tháo heo bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt heo. Đặc biệt, rà soát lại toàn bộ quy trình phòng chống dịch, từ đó có giải pháp căn cơ hơn. “Đối với hộ đã có dịch, đề nghị không tái đàn vào thời điểm này, khi nào có kết luận của cơ quan chuyên môn an toàn thì mới tái đàn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Khử trùng, tiêu độc để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi tại Thanh Hóa. Ảnh: KHƯƠNG LỰC

Chốt chặn Quốc lộ 1

Theo Cục trưởng Phạm Văn Đông, kết quả bước đầu điều tra đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến bệnh DTHCP xuất hiện tại các tỉnh, thành phố là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có heo bệnh, heo chết họ đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh ở phạm vi rộng.

Theo ông Đông, Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam. Yêu cầu tạm dừng vận chuyển heo, sản phẩm heo từ các huyện có dịch ra khỏi huyện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con heo cuối cùng mắc bệnh DTHCP được tiêu hủy trên địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo phải kiểm soát chặt, ngăn chặn chuyển heo từ vùng bệnh đến vùng chưa có bệnh. Nếu không tổ chức, kiểm soát tốt trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh thì sẽ đe dọa vùng chăn nuôi ở Đông Nam Bộ!

Chiều 14-3, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã họp khẩn với các địa phương, sở – ngành và các đơn vị chăn nuôi trên địa bàn để tiếp tục triển khai công tác cấp bách chống DTHCP. Tỉnh này có đàn heo lớn nhất nước (2,5 triệu con), nhiều trang trại chăn nuôi nằm trên trục giao thông huyết mạch nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao nếu để dịch xảy ra. Tỉnh Đồng Nai có thể sẽ tiếp tục lập thêm nhiều trạm kiểm dịch động vật chốt chặn triệt để, xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm.

Ba nguyên nhân chính

Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng Trung Quốc, có 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTHCP lây lan, bao gồm: 46% do phương tiện vận chuyển và con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa; 19% do vận chuyển heo sống và chế phẩm từ heo giữa các vùng…

Văn Duẩn – Xuân Hoàng

Nguồn. Người Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Khẩn cấp chặn heo bệnh lan vào phía Nam
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác