Nước mưa là một trong nguồn cung cấp nước ngọt chính của các đảo. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này ở các đảo trên địa bàn thành phố chưa được chú trọng.
Những ngày hè tháng 5, tháng 6 vừa qua, thời tiết chưa mưa nhiều, cộng với lượng khách du lịch tăng đột biến, tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) trở lên trầm trọng. Đơn vị cung cấp nước sạch chỉ đáp ứng khoảng 50 – 60% nhu cầu. Trong khi đó, việc vận chuyển nước sạch ra đảo gặp nhiều khó khăn. Nếu có biện pháp khai thác, sử dụng các nguồn nước hiện có trên đảo, trong đó có nước mưa thì tình trạng khan hiếm này sẽ được cải thiện.
Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo (Sở Tài nguyên-Môi trường) Nguyễn Văn Cấn cho biết: Phát triển kinh tế đảo cần gắn liền với các hoạt động khai thác nguồn nước bao gồm cả 3 nguồn (nước mưa, nước mặt trong các sông, suối và nước ngầm). Nhưng thời gian qua, nguồn nước cung cấp cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh, du lịch, trên các đảo lớn của thành phố như Cát Bà, Bạch Long Vỹ mới chỉ tập trung khai thác nguồn nước mặt kết hợp với việc vận chuyển đưa nước ngọt từ đất liền ra đảo.
Dự án hồ chứa nước ngọt ở xã Trân Châu (huyện Cát Hải) thi công dở dang, ảnh hưởng việc lưu trữ nước
Việc khai thác nguồn nước ngầm mới dừng ở giếng khoan quy mô nhỏ, phục vụ phạm vi hẹp, cho một vài khách sạn hoặc cụm dân cư. Việc tổ chức thu gom, sử dụng nước mưa trên các đảo gần nhưng chưa được thực hiện. Trong khi đó, lượng nước mưa trên các đảo là không nhỏ. Theo tài liệu quan trắc ở các trạm khí tượng trên đảo, lượng mưa trên đảo Cát Bà đạt khoảng 1700-1800 mm/năm, tương đương gần 20 triệu m3 nước ngọt. Lượng mưa trên đảo Hòn Dấu đạt khoảng 1495 mm/năm, Bạch Long Vĩ 1126 mm/năm.
Ngày 3-4-2009, Chính phủ có Quyết định 439/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt và xây dựng hệ thống thủy lợi trên các đảo lớn, đông dân cư. Theo đó đến năm 2015, xây mới và cải tạo nâng cấp 30 công trình thủy lợi ở 18 đảo, trong đó có 3 đảo thuộc thành phố Hải Phòng là Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vỹ nhưng tiến độ quá chậm. Nếu các hồ chứa nước ngọt này được hoàn thiện góp phần thu gom, tích trữ một lượng đáng kể nước mưa trên các đảo. Nhưng đến nay, các dự án hồ chứa nước ngọt, bao gồm chứa nước mưa, tại huyện Bạch Long Vỹ và huyện Cát Hải đều chưa hoàn thiện. Trong đó, hồ chứa nước ngọt của huyện Bạch Long Vỹ thi công 3 năm chưa hoàn thành. Tại Cát Hải, 3 hồ chứa nước ngọt gồm Trân Châu, Xuân Đám, Phù Long cũng đang thi công dở dang từ nhiều năm nay.
Thu gom nước mưa vào mùa mưa, tích trữ vào lòng đất để sử dụng quanh năm là biện pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao được áp dụng ở nhiều quốc gia khan hiếm nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Đan Mạch… Xin-ga-po là 1 trong những quốc gia có những biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhất thu gom toàn bộ nước mưa trên lãnh thổ, không để chảy ra biển, có thể áp dụng được ở các đảo của nước ta. Theo đó, nước mưa được thu gom vào các tầng chứa nước nhờ các hố đào, giếng, hào rãnh, bồn thấm kết hợp với một số lỗ khoan nông. Mới đây, Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có đề án thu gom nước mưa vào lòng đất sau đó xây dựng hành lang khai thác nước để sử dụng ở đảo Trường Sa lớn, hồ chứa công suất 50 m3 nước/ngày. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang cho triển khai đề tài khoa học áp dụng các biện pháp thu gom nước mưa vào lòng đất ở các đảo của nước ta. Những dự án này hoàn thành có thể thu gom, khai thác nguồn nước mưa trên đảo hợp lý. Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trước mắt cần nhanh chóng quan trắc đánh giá tiềm năng các nguồn nước trên các đảo và khả năng khai thác chúng. Trên cơ sở đó, xác định lựa chọn kỹ thuật khai thác, sử dụng hợp lý, hạn chế tình trạng lãng phí nước mưa như thời gian qua.
Bảo Châu – Báo Hải Phòng 03/8/2018