Sáng 17/11, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2021 và Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững”.
Tham dự chương trình có Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; cùng đại diện lãnh đạo ngành Văn hoá của 63 tỉnh/thành phố; đại diện các cơ quan đơn vị, trường học liên quan tới lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên cả nước. Hội nghị được diễn ra dưới hình thức tập trung và trực tuyến.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến kết quả hoạt động của ngành. Tuy nhiên, ngành Di sản văn hóa đã cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành đã hoàn thiện, tham mưu lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 đề án: Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, giai đoạn 2021-2030; cho phép mở rộng Danh sách hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 08 di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 07 di sản tư liệu thế giới, 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 215 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.581 di tích quốc gia, 10.755 di tích cấp tỉnh; 396 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 184 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập và 56 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày gần 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.
Chương trình Tập huấn và Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về di sản văn hóa trong thời gian qua và đề xuất giải pháp; những vấn đề đặt ra trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các tỉnh/thành phố, định hướng và giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hậu COVID-19.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết Hải Phòng không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, trọng điểm của đất nước mà còn là trung tâm tiếp nhận và giao thoa văn hóa thế giới, nơi hội tụ và kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại. Hải Phòng là vùng đất có hệ thống di tích đậm đặc, với 879 di tích; trong đó có 506 di tích đã được xếp hạng các cấp; có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 115 di tích quốc gia và 389 di tích thành phố; có 474 lễ hội và 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hải Phòng là vùng đất có bề dày về văn hóa-lịch sử với các di chỉ khảo cổ học có giá trị mang quốc gia, đã được các nhà khoa học công bố như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khu di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà; Khu di tích bãi cọc Cao Quỳ; Di chỉ khảo cổ Cái Bèo, di chỉ khảo cổ học Việt Khê, di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh; hệ thống các di tích liên quan đến các trận chiến thắng hào hùng, trí tuệ của cha ông ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Hải Phòng còn là nơi phát tích Vương triều Mạc, nơi xuất thân của các vị Trạng nguyên, các vị tiến sỹ khoa cử thời kỳ phong kiến, những con người mà tài năng, đức độ đã lưu dấu cả một giai đoạn của lịch sử dân tộc.
Thành phố Hải Phòng vinh dự được phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tập huấn và Hội thảo khoa học ngành Di sản văn hóa năm 2021. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý trên lĩnh vực di sản văn hóa toàn quốc trình bày, thảo luận những vấn đề về công tác quản lý ngành, những vấn đề khoa học tại Hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững”; là dịp phát hiện và phát triển những sáng kiến, lý luận, kinh nghiệm và thực tiễn góp phần làm cơ sở đề xuất xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước và của các địa phương.
Chương trình Tập huấn và Hội thảo khoa học diễn ra trong 2 ngày, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Tầm nhìn và định hướng bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản thế giới ở Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Kinh nghiệm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh di sản tư liệu khu vực và thế giới của Việt Nam; Trao đổi những nội dung dự kiến đưa vào Kế hoạch xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung (Bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu); Chuyển đổi số và hoạt động trưng bày, truyền thông, giáo dục di sản văn hóa tại bảo tàng; Báo cáo đánh giá việc thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa Việt Nam trên các hệ thống quản lý thông tin từ năm 2005 đến năm 2020; Các yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Hồng Nhung