Print Thứ Tư, 24/05/2023 09:20 Gốc

Trong năm 2022, về tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, Bộ Công an cho biết, tiếp nhận phát hiện 905 vụ và 1.503 đối tượng, trong đó khởi tố 516 vụ, 1.079 bị can; xử phạt hành chính 157 vụ, 213 đối tượng. Đáng nói, khách hàng vay tiền tín dụng đen chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp; số tiền vay ít, thời gian vay ngắn và không cần đầy đủ thủ tục vay.

Thông tin này Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đưa ra tại hội nghị Tập huấn đánh giá kết quả, thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen trong công nhân, lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức.

Theo Trung tá Đỗ Minh Phương, mặc dù tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là sau dịch COVID-19, tác động của dịch bệnh, kinh doanh không có lãi thì nhu cầu vay tiền cao.

Trong thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã chuyển hướng cho vay qua ứng dụng mạng xã hội để len lỏi, tiếp cận, chào mời số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Với thủ đoạn quảng cáo là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay trong ngày qua tài khoản ngân hàng. Một số hợp đồng với số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn vi phạm pháp luật cho phép.

Chỉ cần tìm trên facebook với từ khóa “vay tiền online”, hàng trăm nghìn fanpage hiện ra bủa vây người lao động. Ảnh chụp màn hình.

Trung tá Đỗ Minh Phương cho hay, thực tế khách hàng đã vay được qua ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp cần vay một khoản tiền từ một đến một vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không thực hiện đầy đủ các thủ tục vay. Khách hàng có thể không để ý đến đến hoặc bỏ qua các thông tin quy định toàn bộ khoản lãi suất, phí tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần.

Cục Cảnh sát Hình sự đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tập trung vào một số công ty núp bóng công ty tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay qua app, các website để ngăn chặn, đấu tranh xử lí.

Điển hình trong tháng 5.2022, Cục Cảnh sát Hình sự đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội tiến hành bắt giữ được hơn 300 đối tượng; khám xét nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên liên quan đến hoạt động tín dụng đen của công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ do một đối tượng người Trung Quốc làm giám đốc. Đối tượng này thuê nhiều đối tượng là người Việt Nam làm phó giám đốc.

Thủ đoạn của các đối tượng là cho vay tiền qua app với lãi suất từ 15-20%, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng còn lập nhiều công ty khác nhau để tìm kiếm khách hàng vay, thẩm định, đòi nợ…

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã thay đổi các phương thức, lợi dụng danh nghĩa công ty luật, công ty thu hồi nợ… để tiến hành hành vi cưỡng đoạt tài sản của người đi vay.

Cũng theo trung tá Đỗ Minh Phương, đối với công nhân ở khu công nghiệp tại các tỉnh, Cục Cảnh sát Hình sự đã xác định là một chuyên đề phòng ngừa chuyên sâu, để mọi người góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen tại địa phương.

Trung tá Đỗ Minh Phương cũng bày tỏ hy vọng nhận được sự chia sẻ thông tin từ các công ty tài chính chính thống để kịp thời sớm nắm bắt nhận diện tín dụng đen. Từ đó, các bên đều có giải pháp phòng ngừa, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lương Hạnh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Khách hàng vay tiền tín dụng đen chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác