Print Thứ Năm, 16/07/2020 23:13 Gốc

Trước băn khoăn của dư luận về việc, liệu người dân có được quyền kiểm tra, giám sát công tơ của ngành điện, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, khách hàng hoàn toàn có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.

Sai sót là trường hợp cá biệt

Tại tọa đàm “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao” vừa diễn ra mới đây, trả lời câu hỏi về việc thực hiện quyền giám sát ghi chỉ số của khách hàng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc – công tơ điện lắp trên cột cao, khách hàng khó theo dõi chỉ số, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết: Lịch ghi chỉ số được quy định trong Hợp đồng mua bán điện. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng hoàn toàn có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.

Về việc giám sát đối với công tơ cơ, theo ông Lâm, trước khi ghi chỉ số công tơ, EVN sẽ mời tổ trưởng tổ dân phố ra giám sát việc ghi chỉ số. “EVN có trách nhiệm cung cấp công tơ lắp đặt. Tuy nhiên, không phải công tơ nào cũng được đặt ở trên cột điện, người dân có thể đặt công tơ ở trong nhà, treo trên tường ngoài nhà theo nguyện vọng”, ông Lâm cho hay.

Ngoài ra, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh, mỗi hộ gia đình đều có một mã khách hàng, người dân có thể truy cập vào website trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN và thực hiện việc xem lại chỉ số công tơ ngay lập tức. Hiện nay sau khi EVN ghi trữ xong, trong vòng 24 giờ sẽ chuyển tất cả thông tin chỉ số đầu, cuối và sản lượng điện tiêu thụ trong tháng đến cho khách hàng.

Với những khách hàng đã lắp đặt công tơ điện tử, việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện đã hoàn toàn tự động nên khách hàng không còn thấy thợ điện đi ghi chỉ số. Tại những khu vực có tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử cao như TP. Hà Nội, các tỉnh miền Trung, đa số khách hàng có thể truy cập website CSKH, hoặc liên hệ tới Trung tâm CSKH để được hỗ trợ thông tin về chỉ số điện từng ngày rất đơn giản và tiện lợi“, ông Lâm thông tin.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định, khách hàng hoàn toàn có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.

Thừa nhận có các sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ, chốt số điện thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, đây là sai sót cá nhân, không liên quan đến hệ thống đo đếm, kỹ thuật. Ngành điện cũng khẳng định quá trình từ lúc ghi chỉ số, lập hóa đơn, phát hành hóa đơn, thông báo và khách hàng trả tiền điện đều độc lập. Người ghi số điện thì không tính hóa đơn, người lập hóa đơn không thu tiền điện. Quy định này của ngành điện nhằm tránh nguy cơ trục lợi của nhân viên nếu cố tình ghi sai chỉ số điện.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết, kết quả kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ và lựa chọn ngẫu nhiên các khách hàng để kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn và xử lý kiến nghị cho thấy việc sai sót trong thời gian qua được nêu là các trường hợp cá biệt.

Bổ sung 2 bước kiểm soát

Chia sẻ về các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến ngành điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, trước đây, Hội nhận được 1.500 – 2.000 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng mỗi năm, trong đó có khiếu nại về dịch vụ điện. Nhưng những năm gần đây, hầu như không có khiếu nại của khách hàng về ngành Điện, nếu có là liên quan hợp tác xã bán điện (không thuộc EVN).

Tuy nhiên, Hội có nhận được thắc mắc của khách hàng về việc kiểm định công tơ, tính chính xác của công tơ, giá điện bậc thang,… Vừa qua, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết khiếu nại. Việc kiểm tra được thực hiện khách quan, đoàn đã kiểm tra ngẫu nhiên và trực tiếp gặp gỡ các khách hàng có thắc mắc về chỉ số điện.

Thực tế ngành điện đã cung cấp rất nhiều tiện ích, thông tin về chỉ số, hóa đơn nhưng khách hàng có thể chưa biết, chưa nắm được nên chưa khai thác các thông tin mà ngành điện đã cung cấp, do đó dẫn tới những thắc mắc không cần thiết“, ông Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến nghị, khách hàng cần nắm rõ các chỉ số, hóa đơn mà ngành điện cung cấp.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng Ban kinh doanh EVN, trước thực tế lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao do nắng nóng, EVN thực hiện nghiêm túc việc tự phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề.

Kể từ 1/7/2020, EVN cũng đã bổ sung 2 bước kiểm soát trên Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS), nhằm tăng cường sự giám sát nội bộ, đảm bảo tính chính xác trong việc ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện”, ông Dũng cho hay.

Trưởng Ban Kinh doanh EVN khuyến nghị khách hàng tra cứu hóa đơn tiền điện theo mẫu mới tại các trang web CSKH ngành điện. Mẫu hóa đơn điện tử và thông báo tiền điện được thay đổi bố cục, bổ sung các biểu đồ so sánh tình hình tiêu thụ điện của khách hàng qua các tháng, các năm; so sánh tương quan với các khách hàng khác trong khu vực…

Về vấn đề kiểm định công tơ, ông Bùi Trung Dũng – Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thông tin thêm, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định công tơ điện được tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trước khi đưa vào sử dụng.

Việc kiểm định công tơ điện được thực hiện trên hệ thống tự động, rất khó có khả năng can thiệp của con người để làm sai lệch các thông số” – ông Dũng cho hay.

Đỗ Nga

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Khách hàng có quyền kiểm tra, giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của ngành điện
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác