Các chủ trang trại lợn tại khu vực Gốc Vuông, thôn Quan Bồ, xã Dũng Tiến (Vĩnh Bảo) đã triển khai việc xây dựng hầm Biogas, máy ép phân lợn, ao lắng để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cam kết với chính quyền địa phương sẽ không tái diễn tình trạng để nước thải ra kênh trong khu vực.
Vào cuộc kịp thời
Thời gian gần đây, người dân thôn Quan Bồ, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo phản ánh việc một số trang trại chăn nuôi tại khu vực Gốc Vuông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Phóng viên Báo ANHP đã làm việc với UBND xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, được biết, tại khu vực trên có 4 trang trại chăn nuôi lợn của các ông: Phạm Minh Thoại, Vũ Văn Đức, Phạm Trung Thành, Phạm Văn Xuân.
Các trang trại được xây dựng từ năm 2015, mỗi trang trại có quy mô 600 con lợn thịt/chuồng nuôi rộng 750m². Trang trại của ông Phạm Văn Xuân có hệ thống xử lý chất thải riêng, 3 trang trại còn lại chung hệ thống xử lý chất thải.
Vừa qua, do hệ thống hầm biogas bị lỗi, đang trong quá trình sửa chữa, trang trại của ông Phạm Văn Xuân trực tiếp xả thải ra môi trường. Với 3 trang trại còn lại, do ông Phạm Minh Thoại xây thêm 2 chuồng nuôi dẫn tới hệ thống xử lý chung bị quá tải, làm chất thải tràn khỏi hầm biogas.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc yêu cầu các chủ trang trại khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đó, ngày 30-9, lãnh đạo UBND xã Dũng Tiến cùng tổ công tác của UBND huyện Vĩnh Bảo kiểm tra thực tế, mời các chủ trang trại lên trụ sở UBND xã Dũng Tiến làm việc và yêu cầu họ khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, có biện pháp xử lý, không để tình trạng này tái diễn.
Tiếp đó, ngày 9-10, UBND xã Dũng Tiến ra quyết định xử phạt ông Phạm Văn Xuân số tiền 4,25 triệu đồng, 3 chủ trang trại còn lại mỗi người 3 triệu đồng.
Chủ trang trại cam kết bảo vệ môi trường
Thực hiện yêu cầu của UBND xã Dũng Tiến và tổ công tác huyện Vĩnh Bảo khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trước ngày 31-10-2020, chủ 4 trang trại đã hoàn thiện cải tạo ao lắng rộng 5.000m² xử lý nước thải chung cho 4 trang trại.
Riêng, hộ ông Phạm Văn Xuân đã hoàn thành xong việc cải tạo, lắp đặt xong hầm biogas phủ bạt dài 45m, rộng 33m, đào 2 ao xử lý nước thải sau hầm biogas, mỗi ao có diện tích 180m².
Các trang trại triển khai việc lắp đặt máy ép phân lợn nhằm giảm lượng chất thải xử lý bằng hầm biogas đang quá tải. Sau khi ép khô, phân sẽ được xử lý thành phân hữu cơ bán ra thị trường trồng trọt.
Ngoài ra, các trang trại sử dụng chế phẩm Super Pac xử lý nước tại khu vực Cống Trắng, dùng chế phẩm Balasa khử mùi hôi khu vực trang trại và quanh hầm biogas.
Đến nay, không những tình trạng ô nhiễm môi trường quanh các trang trại được khắc phục, mà nguồn gây ô nhiễm cũng được chủ các trang trại xử lý triệt để.
Theo ông Vũ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Bảo, để tăng cường công tác quản lý các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn về việc chấp hành bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, thời gian tới, UBND huyện Vĩnh Bảo yêu cầu các Phòng: Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện, các cơ quan, đơn vị, phòng, ban liên quan và chính quyền các 30 xã (thị trấn) thành lập các tổ công tác rà soát, kiểm tra thực tế việc tuân thủ quy trình bảo vệ môi trường theo dự án được phê duyệt toàn bộ các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn.
Đối với các trường hợp vi phạm, UBND huyện Vĩnh Bảo chỉ đạo xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu các tổ công tác hướng dẫn, hỗ trợ chủ các trang trại, gia trại biện pháp xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường.
TRUNG KIÊN