Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-2018, Đường dây nóng Báo Hải Phòng liên tục nhận được nhiều thông tin bạn đọc phản ánh về tình trạng ngập sâu, kéo dài sau mưa tại nhiều tuyến đường, khu dân cư. Đặc điểm chung là các tuyến đường, khu dân cư này nằm kề các dự án đang triển khai thi công.
Dự án cải tạo tuyến mương An – Kim – Hải, đoạn dọc theo tuyến đường Thiên Lôi (quận Lê Chân) chậm tiến độ, gây ảnh hưởng giao thông, ngập lụt khi trời mưa.
Ngập nhanh, thoát lâu
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) cho biết: Thời gian qua, khu vực Đồng Vò, tổ dân phố số 27, 28 trên địa bàn phường thường xuyên trong cảnh ngập lụt kéo dài nhiều ngày sau mưa, khiến người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị. Nguyên nhân do việc thi công dự án đường Bắc Sơn- Nam Hải (đường World Bank) chặn đường ống thoát nước của khu dân cư. Năm 2017, UBND phường có buổi làm việc với Ban quản lý dự án Khu vực các công trình giao thông vận tải, thống nhất yêu cầu nhà thầu có trách nhiệm hoàn trả đường ống thoát nước bị hỏng; đấu nối hệ thống thoát nước trục đường chính của khu dân cư vào hệ thống thoát nước tuyến đường Bắc Sơn -Nam Hải. Song đến nay, việc đấu nối đường ống thoát nước của khu dân cư vào hệ thống thoát nước đường trục đô thị Bắc Sơn – Nam Hải chưa thực hiện và người dân tiếp tục phải chịu cảnh ngập lụt sau các trận mưa.
Việc ngập nước tại ngõ 788, đường Thiên Lôi, phường Kênh Dương (quận Lê Chân) là ví dụ khác. Phó chủ tịch UBND phường Kênh Dương, Phạm Tuấn Dũng cho biết: Ngõ này là khu dân cư mới, có hệ thống đường ống thoát nước ra tuyến mương phía sau và mương An – Kim – Hải. Hiện nay, tuyến mương phía sau bị san lấp, thi công đường Bắc Sơn – Nam Hải, mương An – Kim – Hải cũng đang trong quá trình thi công, làm cống hộp. Do đó, hệ thống thoát nước của cả ngõ với hàng chục hộ dân bị chặn lại, gây ngập nặng. Cứ sau mỗi trận mưa to, nước ngập tràn vào nhà dân và rút khá chậm, vài ngày sau mưa có đoạn ngõ vẫn ngập 30 đến 40 cm.
Đường dây nóng Báo Hải Phòng nhận được ý kiến bạn đọc về việc ngập nước hơn 10 ngày tại xóm Trại, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) sau cơn mưa cuối tháng 7 vừa qua có nguyên nhân do nằm kề dự án đường Đông Khê 2 và cải tạo tuyến mương An – Kim – Hải; ngập nước tại tổ dân phố Khúc Trì 1, quận Kiến An do nằm trong dự án mở rộng Trường đại học Hải Phòng; ứ đọng nước sau mưa trên tuyến đường 17B, đoạn qua huyện An Dương do chưa xây dựng được hệ thống thoát nước đồng bộ…
Dự án cải tạo tuyến mương An – Kim – Hải, đoạn dọc theo tuyến đường Thiên Lôi (quận Lê Chân) chậm tiến độ, gây ảnh hưởng giao thông, ngập lụt khi trời mưa.
Sớm triển khai quy hoạch thoát nước
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho biết: Thành phố Hải Phòng đã và đang triển khai nhiều dự án thoát nước, trong đó Dự án thoát nước 1B đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có hệ thống thoát nước khá tốt so nhiều tỉnh, thành phố. Mặc dù vậy, nhiều khu vực trung tâm thành phố, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, xây dựng từ lâu, xuống cấp. Nhiều khu vực, như quận Hải An, Lê Chân… trước đây thoát nước qua hệ thống mương và ao, hồ tự nhiên, nhưng do triển khai đồng thời các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông như tuyến đường trục đô thị Bắc Sơn- Nam Hải hay dự án đường Đông Khê 2, dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn của thành phố, trong đó có cải tạo tuyến mương An – Kim – Hải qua địa bàn các quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An trong tình cảnh dở dang, chậm tiến độ nên phát sinh tình trạng trên. Nguyên do việc thi công dự án nên phải ngăn tạm thời các cửa xả, đường ống thoát nước, làm hạn chế khả năng thoát nước. Điều này là nguyên nhân dẫn tới việc ngập sâu ở một số tuyến đường, ngập kéo dài ở nhiều khu dân cư khi mưa lớn, triều cường. Minh chứng là cuối tháng 7, đầu tháng 8-2018, sau trận mưa lớn, người dân thành phố chứng kiến nhiều tuyến đường ngập sâu, giao thông, sinh hoạt của người dân xáo trộn. Một số khu dân cư nằm ở vị trí liền kề các dự án xây dựng thuộc các phường trên địa bàn các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An ngập nước mưa kéo dài nhiều ngày. Mặt khác, dù được quan tâm đầu tư các dự án lớn, nhưng hệ thống thoát nước Hải Phòng hiện nay mới bảo đảm công suất thiết kế 100 mm khi trời mưa; còn lại 2/3 địa bàn thành phố, như khu vực quận Hải An chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước cũng như các hồ trữ nước khi mưa. Toàn thành phố cần 200 ha hồ điều hòa, trong khi mới có 80 ha hồ điều hòa. Với hiện trạng hạ tầng như vậy, khi có trận mưa từ 200 mm trở lên, vượt quá công suất của hệ thống thoát nước và hồ điều hòa. Khi có mưa lớn, công ty ưu tiên tiêu thoát nước công trình đầu mối, tăng cường bơm nước khi mưa to và triều cường cao; khi hệ thống quá tải, công nhân thoát nước mở các nắp hố ga, tăng cường vớt rác tại các họng cống…
Giám đốc Ban quản lý dự án cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường Hải Phòng, Trần Huy Vĩnh cho biết: Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn của thành phố phải kéo dài thời gian thi công đến năm 2020. Trong thời gian thi công, khi mưa lớn, Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng để có giải pháp khắc phục tạm thời, như phá bỏ các điểm hoành triệt, đào thêm kênh dẫn dòng tại các cống xả, nạo vét đường ống, tăng công suất hoạt động của các trạm bơm, thậm chí là bố trí bơm cơ động tại các điểm ngập sâu…
Đầu năm 2018, UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch thoát nước thải đến năm 2025, tầm nhìn 2050. Quy hoạch chia đô thị trung tâm thành 8 khu vực với 17 lưu vực, mỗi lưu vực có một nhà máy xử lý nước thải tập trung. Quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý nguồn nước thải ngày càng tăng của Hải Phòng, nhất là khu vực đô thị trung tâm. Điều quan trọng, các sở, ngành chức năng, chính quyền các cấp, thực hiện theo đúng quy hoạch để nâng cao năng lực thoát nước mưa, nước thải trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, chủ đầu tư các dự án phải có trách nhiệm, biện pháp dự phòng về thoát nước cho các tuyến đường, khu dân cư liền kề.
Minh Đức – Báo Hải Phòng 13/8/2018