Print Chủ Nhật, 12/07/2020 21:31 Gốc

Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tổ chức kiểm tra trật tự đường hè một số quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra ở khá nhiều tuyến đường, địa phương, là nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.

Nhiều địa phương để xảy ra vi phạm

Theo Ban ATGT thành phố, vi phạm phổ biến nhất là tình trạng dừng đỗ xe ô tô, xe máy, lấn chiếm vỉa hè diễn ra nhiều nhất sau giờ hành chính và ngày nghỉ tại các địa phương, nhất là khu vực nội thành. Cụ thể, địa bàn quận Ngô Quyền vi phạm tại địa chỉ số 15, phố Trần Phú (quán cafe The Coffee House), ngã tư Trần Bình Trọng giao với đường Trần Phú (quán Starbucks Coffee). Tại địa bàn quận Lê Chân còn tình trạng bày, bán hàng hóa, để xe máy lộn xộn trên vỉa hè tại số 263-265, 267, 277, 279 đường Hàng Kênh; số 110, đường vòng Cầu Niệm; số 17-19, 77, 86, 207-209 đường Lán Bè, số 188 đường Nguyễn Đức Cảnh; số 187A, 343 đường Trần Nguyên Hãn; số 196 đường Tôn Đức Thắng (cạnh UBND phường Lam Sơn); trên cầu Tam Bạc… Quận Hồng Bàng tại số 116 đường Phan Bội Châu, đường Trần Quang Khải. Địa bàn quận Kiến An dọc hai bên tuyến đường Trường Chinh từ chân cầu Niệm đến ngã 5 Quán Trữ ô tô đỗ vào làn đường của xe máy, xe thô sơ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Ngoài tình trạng dừng đỗ xe lộn xộn và vi phạm các quy định của pháp luật về ATGT, một số địa phương còn chưa kiên quyết trong xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị. Theo Ban ATGT thành phố, việc này xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Đơn cử như tại khu vực ngã 6 Máy Tơ (đoạn giao cắt đường Đà Nẵng – Võ Thị Sáu – Trần Khánh Dư) và đường An Đà (tại nút giao đường Đông Khê – An Đà) thuộc quận Ngô Quyền, người dân lấn chiếm lòng đường họp chợ gây ách tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Tại vòng xuyến ngã 5 Kiến An, ngã 5 Quán Trữ có tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, vỉa hè, lòng đường để bày bán hàng hóa.

Quận Hồng Bàng vận động người dân sắp xếp lại nơi bán hàng tại dải trung tâm thành phố.

Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT cũng diễn ra ở một số địa phương ngoại thành. Tại huyện Thủy Nguyên xuất hiện tình trạng Công ty TNHH cơ khí Thăng Long lấn chiếm tập kết máy móc, thiết bị cơ khí bên lề đường tỉnh (ĐT) 352 tại Km10+800; hành lang hai bên đường ĐT. 352 phía trước Xí nghiệp Xăng, dầu KI31 lấn chiếm hè làm nơi sản xuất hàng hóa, để phương tiện máy móc thiết bị. Ở huyện An Dương, vỉa hè ĐT. 351 khu vực Cầu Gỗ các hộ dân đặt biển chỉ dẫn di động, lắp đặt mái che kiên cố lấn chiếm hành lang để kinh doanh, bán hàng, đổ bê tông tạo lối lên xuống vỉa hè. Tình trạng này gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước mặt. Trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố, tình trạng người dân bán hàng lấn chiếm hành lang giao thông vẫn chưa chấm dứt, nhất là khu vực Khu công nghiệp Tràng Duệ dọc theo Quốc lộ 10 qua địa bàn huyện An Dương.

Chưa được xử lý triệt để

Theo Ban ATGT thành phố, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang ATGT ở một số địa phương diễn ra đã nhiều năm, nhưng chưa được xử lý triệt để gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị, đường hè và mất ATGT. Thời gian qua, tại những khu vực bị lấn chiếm hành lang giao thông, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhất là trên ĐT 354, 352, 351…, nhưng tình trạng lấn chiếm không được xử lý triệt để. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, tạo cảnh quan sạch đẹp và an toàn cho mỗi tuyến đường, khu vực.

Có thể thấy, nhiều địa phương cũng tổ chức ra quân, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhưng cách làm vẫn chưa triệt để, khi lực lượng quản lý rút đi, lại “đâu đóng đó”. Thực trạng này là do chưa có sự tham gia của cộng đồng dân cư, chưa nêu cao vai trò của các tổ chức xã hội của địa phương đó. Như một số tuyến đường kiểu mẫu tự quản, các tổ chức như Cựu Chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên… đã làm tốt nhiệm vụ tham gia quản lý, nhắc nhở vi phạm, vì vậy, áp dụng cách quản lý lâu dài này sẽ mang lại hiệu quả cao tại một số tuyến đường có tình trạng vi phạm về trật tự đường hè.

Bên cạnh đó, cần có phối hợp giữa các ngành, đơn vị chức năng trong xử lý vi phạm, bảo đảm tính thống nhất trong xử lý và đúng quy định của pháp luật. Thực tế, một số nơi khi lực lượng chức năng xử lý vi phạm về tình trạng đậu đỗ xe trên vỉa hè hoặc ở nơi có biển báo chưa chuẩn, phát sinh khiếu kiện. Rút kinh nghiệm từ thực tế, vừa qua quận Hải An tổ chức ra quân xử lý tình trạng vi phạm về trật tự đường hè, trong đó huy động hầu hết các cơ quan chức năng của quận vào cuộc, vì vậy, trong đợt xử lý vừa qua, người bị xử lý vi phạm đều “tâm phục”. Cách làm này của quận Hải An cần được nhân rộng, góp phần bảo đảm trật tự đường hè, văn minh đô thị.

Theo Sở GTVT, để Hải Phòng an toàn, văn minh, việc duy trì trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị là yêu cầu cấp thiết. Tới đây, thành phố sẽ ưu tiên sử dụng vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động đường thông, hè thoáng đến cấp phường, thị trấn; xử lý vi phạm về quy hoạch và xây dựng đô thị gây mất trật tự ATGT, ùn tắc giao thông.

Bài và ảnh: Mai Lâm

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Khắc phục tình trạng lấn chiếm đường hè và hành lang an toàn giao thông: Cần kiên quyết xử lý vi phạm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác