Print Chủ Nhật, 24/09/2023 05:40 Gốc

Trong tháng 9, các nhà trường bắt đầu tổ chức họp phụ huynh. Chuyện thu-chi đầu năm gây bức xúc dư luận xảy ra ở khắp nơi, từ thành phố tới nông thôn.

Câu chuyện này không chỉ cần nhìn từ phía ngành giáo dục, nhà trường mà còn từ phụ huynh để cùng chấm dứt vấn đề “lạm thu” dai dẳng nhiều năm.

“Ma trận” khoản thu

Giữa một “ma trận” các khoản thu lên tới trên dưới 20 đầu mục, các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình có 2-3 con đi học phải “xây xẩm” mặt mày. Từ tiền học phí, đồng phục tới những khoản tiền trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh đều phải bấm bụng đóng góp, dù có những khoản họ cho là không hợp lý.

Theo phản ánh của anh VVT, có con gái theo học lớp 1 Trường Tiểu học Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng), chúng tôi tìm đến tận nhà để nắm bắt về những khoản thu khiến anh và nhiều phụ huynh bức xúc. Anh T cho biết: “Ngoài tiền bảo hiểm y tế, đồng phục và quỹ lớp, cuộc họp đầu năm trường không thông báo cụ thể những khoản phải đóng. Điều tôi thắc mắc là trong học phí có cả khoản học bổ sung, tôi không biết đây có phải là tiền học thêm không. Trường vận động tự nguyện mua điều hòa trên tinh thần tùy tâm, nhưng thực tế cào bằng, mỗi phụ huynh đóng 750.000 đồng. Trường nói lắp điều hòa sẽ không mất tiền điện, nhưng lại có thông báo gia đình hỗ trợ nhà trường tiền điện 25.000 đồng/tháng/cháu, trong khi con tôi nói điều hòa không được bật”.

Giờ học ở Trường Tiểu học Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

Đây cũng là nỗi bức xúc của chị NPO, có con trai học lớp 1 Trường Tiểu học Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) khi “đi họp đầu năm, nhà trường không cung cấp danh sách những khoản phải thu mà chỉ thông báo bằng miệng, phụ huynh tự ghi vào giấy. Có nhiều khoản tiền tôi không biết là gì, phụ huynh khác đóng thế nào thì tôi theo như vậy”.

Dường như câu chuyện “điều hòa” là nỗi bức xúc của phụ huynh nhiều nơi. Anh ĐTT, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Xuân Hòa, TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Cô giáo bảo mỗi học sinh đóng 500.000 đồng mua điều hòa mới, sau ra trường để lại hoặc thanh lý cho nhà trường. Chúng tôi đều ủng hộ để khóa sau không phải mua nhưng phụ huynh các lớp dưới đều nói họ vẫn phải đóng tiền mua”. Ngoài khoản tiền mua điều hòa, phụ huynh lớp 1 của trường còn đóng thêm tiền mua sách bổ trợ và các đồ dùng trang trí cho lễ khai giảng. Cô Nguyễn Thị Thương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hòa khẳng định, sau khi nhận phản ánh của phụ huynh, trường đã họp với tất cả giáo viên và yêu cầu trả lại số tiền đã thu của học sinh để phụ huynh tự mua sách vở cho các em.

Mang câu chuyện vì sao trường không cung cấp danh sách một cách công khai, minh bạch từng mục để phụ huynh nắm bắt, đồng thời ngỏ ý được xem danh mục những khoản dự kiến thu của nhà trường, nhưng cô Đào Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên chỉ nhắc đi nhắc lại: “Trường chưa thu bất kỳ một khoản nào, mới là ý kiến đề xuất tại cuộc họp phụ huynh. Tất cả các khoản thu đều theo quy định”. Còn cô Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng cũng khẳng định việc mua điều hòa trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng. Nếu phát hiện lớp nào cố tình vi phạm sẽ kỷ luật giáo viên chủ nhiệm lớp đó.

Phụ huynh cần lên tiếng

Đầu năm học, nhiều sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong cả nước đã đưa ra văn bản quy định rõ các khoản được phép thu-chi trong nhà trường để tránh tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, để xảy ra những bức xúc liên quan đến lạm thu, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhà trường, phụ huynh cũng cần lên tiếng. Họ cũng phải chủ động tìm hiểu, nắm được cần phải đóng khoản gì và không đóng khoản gì. Có những khoản tiền phải đóng thì phụ huynh lại nghĩ lạm thu và ngược lại có khoản lạm thu mà phụ huynh lại không biết.

Để kiểm soát việc thu đúng, thu đủ ở các đơn vị, ông Vũ Trọng Thủy, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Lãng cho biết: “Phòng GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra, giám sát 70% số trường học trên địa bàn để chấn chỉnh các khoản thu chưa đúng quy định. Trường hợp thu sai phải trả lại phụ huynh. Nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ báo cáo UBND huyện xử lý theo quy định”.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng nhấn mạnh: “Chúng tôi nỗ lực để giải quyết vấn đề lạm thu qua văn bản chỉ đạo, đường dây nóng, cổng thông tin điện tử và tổ chức đoàn giám sát. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi nhà trường có thể có cách làm không thống nhất và chưa đúng với quy định, vì vậy, phụ huynh phải xem mình là người sử dụng dịch vụ để nắm rõ các khoản thu trong nhà trường gồm những khoản gì”.

Nhìn nhận vấn đề phụ huynh bức xúc nhất đều liên quan đến các khoản vận động, ông Kiệm nói: “Thẳng thắn mà nói, việc năm nào cũng vận động phụ huynh mua điều hòa là một sự phi lý. Nên chăng là sự đóng góp sửa hoặc mua bổ sung; tuyệt đối không chia đều theo đầu người. Ngoài ra, khoản thu nhiều người hay ý kiến là tiền điện. Trong dự toán giao ngân sách có 19% chi thường xuyên cho giáo dục, trong đó có tiền điện nhưng chỉ bảo đảm cho hoạt động bình thường ở mức cơ bản, còn tiền điện điều hòa sẽ do phụ huynh chi trả sau khi đã thống nhất với nhà trường. Ngành giáo dục không sản xuất ra điện nên có thể coi đây là khoản thu hộ”.

Thu theo quy định của pháp luật, khoản thu bắt buộc là học phí (có địa phương miễn hoặc hỗ trợ học phí cho người học). Các khoản thu đối với dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục (phụ huynh và học sinh có quyền quyết định sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ đó, chẳng hạn như nước uống, học thêm kỹ năng sống, toán tư duy, tiền trông xe…). Ngoài ra, còn có khoản thu hộ là bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm toàn diện (bảo hiểm này là tự nguyện); các khoản vận động, tài trợ (thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân); quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh (thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh).

Tránh hiện tượng lạm thu đầu năm tại các trường học hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Với khối giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Điều quan trọng là các địa phương, các nhà trường phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức, tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề này”.

Bài và ảnh: THU HÀ

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Khắc phục tình trạng lạm thu đầu năm học mới
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác