Nhu cầu vườn hoa, công viên cây xanh của thành phố rất lớn, nhưng số lượng công trình cải tạo, xây dựng hằng năm lại rất ít. Trong khi đó, một số dự án vườn hoa, công viên trong quy hoạch, triển khai thực hiện chậm trễ…
Dang dở, kéo dài nhiều năm
Đó là dự án đầu tư xây dựng vườn hoa dải phân cách quốc lộ 5 khu vực khu công nghiệp (KCN) Nô- mu-ra, thuộc xã Tân Tiến (huyện An Dương). Dự án được UBND thành phố phê duyệt ngày 18-7-2006 và phê duyệt điều chỉnh ngày 8-1-2010. Chủ đầu tư là Công ty công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng (nay là Công ty CP công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng).
Theo đó, thành phố chủ trương xây dựng vườn hoa có diện tích 19.762 m2, với tổng mức đầu tư hơn 51 tỷ đồng bằng vốn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2006- 2010. Tuy nhiên, đến năm 2015, giá trị thực hiện mới đạt 17,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố bố trí 16,3 tỷ đồng (bằng 31,6% tổng mức đầu tư và gần bằng giá trị khối lượng thực hiện). Vì vậy, mới chỉ hình thành được một phần vườn hoa, chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô dự án đã được UBND thành phố phê duyệt, làm ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị tại cửa ô quan trọng của thành phố; gây nhiều băn khoăn, thắc mắc trong nhân dân. Đáng chú ý, dự án chậm so với kế hoạch 5 năm, nhưng từ năm 2015 đến nay “án binh bất động”.
Cũng như vậy, ngày 11-8-2017, Thành ủy có chủ trương di chuyển vườn hoa Kim Đồng về Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố. Mục tiêu hoàn thành việc di chuyển trong năm 2018, tạo điều kiện để có thêm vườn hoa cây xanh giữa lòng thành phố, hoàn thiện dải trung tâm thành phố; tạo cảnh quan xanh mát đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí, thư giãn của người dân. Tuy nhiên, việc di chuyển cũng rất chậm trễ, đến mức đại biểu HĐND thành phố và cử tri có ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa 15 trong tháng 7-2019, UBND thành phố đề ra mốc phấn đấu mới hoàn thành việc di chuyển trước ngày 2-9-2019. Tuy nhiên, đến nay, việc di chuyển chưa hoàn tất…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ nêu trên, nhưng vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) là chủ yếu. Tại dự án vườn hoa khu vực KCN Nô-mu-ra, chủ đầu tư và chính quyền địa phương mới hoàn thành việc GPMB khách sạn Nghĩa Sơn và tiến hành xây dựng vườn hoa tại khu vực này. Còn phần đất liên quan tới 41 hộ dân không nhận được sự đồng thuận cả về giá đất bồi thường cũng như bố trí tái định cư, nên công tác GPMB bị kéo dài, bế tắc. Điều đó khiến chủ đầu tư không thể thi công dự án, ngân sách cũng không có cơ sở để bố trí vốn. Việc di chuyển vườn hoa Kim Đồng ban đầu không nhận được sự ủng hộ của 21 hộ kinh doanh. Trong khi đó, hạ tầng Cung Văn hóa thiếu nhi (địa điểm dự kiến di chuyển các hộ kinh doanh từ vườn hoa Kim Đồng) xuống cấp, cần đầu tư cải tạo, xây dựng mới đủ điều kiện tiếp nhận. Nhiều thủ tục, quy trình bố trí vốn, thay đổi chủ đầu tư, cùng những khó khăn, vướng mắc trong GPMB dẫn tới sự chậm trễ nêu trên.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Trước tình trạng trên, thành phố chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, ngày 26-6-2017, UBND thành phố giao nhiệm vụ chuyển chủ đầu tư dự án vườn hoa khu vực KCN Nô-mu-ra từ Công ty CP công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng sang UBND huyện An Dương, đồng thời giao huyện An Dương lập hồ sơ điều chỉnh dự án. Thành phố cũng đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn ngân sách. Sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh, Sở KHĐT tham mưu UBND thành phố tổng hợp dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí vốn đầu tư công hằng năm. Mặt khác, theo quy chế phân cấp, quản lý vốn đầu tư, huyện An Dương có trách nhiệm bố trí 50% vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho các dự án do UBND thành phố quyết định đầu tư và giao UBND huyện làm chủ đầu tư. Thực tế, trong 2 năm 2018- 2019, huyện An Dương chưa bố trí đủ vốn dự án. Hơn nữa, theo hồ sơ điều chỉnh dự án, nguồn vốn đầu tư sẽ tăng lên 188 tỷ đồng (tăng 136 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu), do đó phải trình HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm 2019. Mặc dù vậy, huyện An Dương cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, nhất là các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng, bố trí vốn, công tác GPMB. Huyện cần chủ động rà soát các phương án đền bù, GPMB phù hợp, thuyết phục, vận động các hộ dân sớm nhận tiền đề bù, tái định cư, tạo mặt bằng sạch để triển khai dự án…
Đối với việc di chuyển vườn hoa Kim Đồng, UBND thành phố phê duyệt dự án cải tạo Cung Văn hóa thiếu nhi với tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng (Thành Đoàn là chủ đầu tư). Tuy nhiên, việc bố trí vốn, thẩm định thiết kế thi công; GPMB đều chậm… UBND thành phố chỉ rõ trách nhiệm thuộc quận Ngô Quyền, Thành Đoàn Hải Phòng, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Cung Văn hóa thiếu nhi… Tại cuộc kiểm tra tiến độ dự án mới đây, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu phải hoàn thành dự án cải tạo Cung Văn hóa thiếu nhi trong tháng 12-2019, tạo điều kiện để di chuyển 21 hộ kinh doanh từ vườn hoa Kim Đồng đến địa điểm mới trước Tết Nguyên đán. Vì vậy, các ngành, địa phương liên quan cần đôn đốc ráo riết tiến độ về mọi mặt, để 2 dự án xây dựng, cải tạo vườn hoa không bị kéo dài và chậm thêm nữa.
Bài: Hồng Thanh; Ảnh: Trung Kiên