Qua đường dây nóng, Báo Hải Phòng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân huyện An Dương về tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Thực tế này đòi hỏi các xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển hàng hóa tập trung.
Hàng trăm ha đất bỏ hoang
Cánh đồng thôn Thắng Lợi, xã An Hưng (huyện An Dương) rộng 28 ha, nhưng thì 20 ha đất đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Phó chủ tịch UBND xã An Hưng Trịnh Văn Quý cho biết: Xã có 198 ha đất nông nghiệp, thì gần 1/3 diện tích đất bị bỏ hoang là 60 ha, trong đó thôn Thắng Lợi chiếm nhiều nhất. Nguyên do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, người dân chuyển sang các nghề sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài ra, do hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống máng kiên cố hóa cấp nước tưới tiêu, cống điều tiết nước, kênh nội đồng bị xuống cấp. Nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm do nằm cạnh Cụm công nghiệp Thắng Lợi nên năng suất lúa không cao, sản xuất nông nghiệp bị thua lỗ. Bởi vậy, người dân không thiết tha với đồng ruộng.
Không chỉ xã An Hưng, hiện nay nhiều xã trên địa bàn huyện An Dương cũng có diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang lớn như: xã Hồng Thái có 146,5 ha, xã Đại Bản 48,9 ha, xã Lê Thiện 62,5 ha, xã An Hòa 51,5 ha, xã Đồng Thái có 44,5 ha…
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương: Tổng diện tích đất bị bỏ hoang trên toàn huyện hiện lên đến 669,5 ha. Trong đó, có 56,9 ha (bằng 8,5% diện tích đất bị bỏ hoang) do xen kẹt đường giao thông, khu doanh nghiệp, do ô nhiễm; có 315 ha (bằng 47,05% diện tích đất bị bỏ hoang) do diện tích sâu trũng; còn lại 297,6 ha (bằng 44,45% diện tích đất bị bỏ hoang) do các nguyên nhân khác như hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm phục vụ sản xuất, do sâu bệnh, chuột phá hoại…
Chuyển hướng sản xuất hàng hóa tập trung
Trước tình trạng trên, năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương hướng dẫn UBND các xã xây dựng, triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, 16/16 xã thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành trên địa bàn cấp xã.
Hiện, một số xã bước đầu hình thành và phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng mẫu lớn sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất theo chuỗi liên kết bền vững gắn với việc chỉ đạo khắc phục bỏ ruộng. Đó là mô hình trồng cây hành lá xanh theo quy trình Vietgap trên cánh đồng Nổ, thôn Thắng Lợi, xã An Hưng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã An Hưng Phạm Văn Bê cho biết: Địa phương được Công ty TNHH Âu Lạc Global Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Nam chuyển giao giống hành lá xanh, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Hiện tại, đơn vị đang trồng thử nghiệm gieo giống trên 5 sào để nhân rộng lên quy mô 5 ha đất như dự kiến vào cuối năm 2019. Khi mô hình này thành công sẽ là cơ sở triển khai tiếp trên phần đất hoang hóa của địa phương và phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa xuất khẩu.
Còn tại xã Lê Thiện có mô hình trồng và chế biến sắn dây trên 25 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở thôn Kim Sơn. Anh Nguyễn Văn Tiến chủ mô hình này cho biết: Gia đình thuê lại diện tích đất bỏ hoang của các hộ dân, đầu tư máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu và nhân công để làm khu trồng sắn dây quy mô lớn được 2 năm nay. Kết quả, năng suất thu được 700 tấn sắn dây tươi/năm. Trung bình 7500 đồng/kg sắn dây tươi, tính ra mỗi năm trừ các khoản chi phí, anh Tiến thu được gần tỷ đồng. Tuy nhiên, anh Tiến cho biết, hiện do thiếu nguồn vốn đầu tư nhà xưởng chế biến sắn dây và thương hiệu cho sản phẩm, nên giá bán chưa cao. Do đó, anh Tiến sẽ đầu tư nhà xưởng, máy sấy sắn dây khô và đăng ký thương hiệu sắn dây Lê Thiện trên thị trường.
Cùng với đó là các mô hình sản xuất đậu tương ở xã Tân Tiến, mô hình sản xuất lan Hồ Điệp theo phương pháp nuôi cấy mô tại xã Hồng Thái đang được triển khai hiệu quả cao. Có thể thấy, bước đầu các xã sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi là cách làm đúng hướng để khắc phục tình trạng đất bị bỏ hoang. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Lê Thiện Phạm Văn Hải, diện tích đất bỏ hoang tiếp tục tăng. Hiệu quả một số mô hình nông nghiệp chưa bền vững vì các địa phương phải tự tìm tòi, vận động người dân, doanh nghiệp, trong khi đó thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ vay vốn.
Vì thế, để việc khắc phục tình trạng đất ruộng bỏ hoang, thời gian tới, UBND huyện An Dương sớm chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn hộ nông dân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương phối hợp các đơn vị liên quan tập trung tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thủy sản, triển khai giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xất nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó, phát huy mô hình nhà nước – nhà sản xuất – doanh nghiệp cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hạn chế đất bị hoang hóa.
Bài và ảnh: Mạnh Quang