Điệp khúc buồn lâu nay mỗi khi vào vụ thu hoạch vẫn đang làm “nóng” từ nghị trường Quốc hội đến các diễn đàn phát triển nông nghiệp, dậy nỗi lo của nông dân, của chính quyền địa phương có vùng cây ăn quả tập trung, của doanh nghiệp tham gia các khâu thu mua, chế biến sản phẩm. Chấm dứt tình trạng “được mùa mất giá” là niềm mong mỏi không chỉ của riêng nông dân các vùng cây ăn quả của Hải Phòng. Đã đến lúc phải có một hệ thống giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để vấn nạn sản xuất tự phát, chạy theo “phong trào”; sản xuất không gắn với nhu cầu thị trường và chuỗi giá trị ngành hàng… Nhiều chuyên gia nông nghiệp Hải Phòng nhận định, đến thời điểm này, cũng như nông dân cả nước, bà con các vùng sản xuất tập trung của thành phố chưa có lời giải tối ưu cho bài toán sản xuất cái gì, bán đi đâu, bán cho ai? Cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay với các chính sách hỗ trợ, mở rộng thị trường. Còn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đủ “lớn” để đảm nhận vai trò dẫn dắt sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Những bất cập trong sản xuất-tiêu thụ sản phẩm đang đè nặng đôi vai nông dân và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội.
Để từng bước khắc phục tình trạng này, trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hải Phòng đến năm 2025, hướng đến năm 2030, thành phố đã xác định các giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sản xuất theo phong trào, không chạy theo trào lưu thị trường, dẫn đến dư thừa cục bộ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch…, giải quyết những “căn bệnh” cố hữu còn chậm được “chữa trị” như: Sản xuất cá thể, manh mún, tự phát, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; không chú trọng quy trình kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm; thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; chưa tạo được cơ chế liên kết bền vững trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản. Thành phố đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, chuẩn hóa nông sản; thiết lập vùng trồng, xây dựng mô hình quản trị gồm 5 nhà: Nông dân, nhà sản xuất, nhà quản lý, HTX và đơn vị giám sát (chính quyền địa phương, ban quản trị vùng trồng), để thống nhất, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc BVTV hợp lý… Thành phố cũng yêu cầu ngành nông nghiệp làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước, phân tích và dự báo chính xác để định hướng đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản; thúc đẩy chuyển giao quy trình kỹ thuật công nghệ mới…, qua đó dẫn dắt các chuỗi liên kết giá trị, tăng cường năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Có cơ chế trách nhiệm chặt chẽ để hạn chế việc vi phạm hợp đồng, xây dựng mối hợp tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp…
Hy vọng rằng, với các giải pháp căn cơ, giải quyết cơ bản các vấn đề nêu trên, nông nghiệp Hải Phòng sẽ sớm chấm dứt nạn “được mùa mất giá”./.
Hoàng Yên
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More