Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:13

Hiện nay, việc đấu thầu hóa chất, vật tư y tế (VTYT) phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) chưa có quy định cụ thể. Do đó, quá trình đấu thầu và chỉ định sử dụng VTYT tại nhiều cơ sở KCB trên địa bàn thành phố còn nhiều vấn đề vướng mắc, gây tăng chi phí bất hợp lý từ quỹ BHYT.

Thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Việt -Tiệp.

Ảnh: Đỗ Thu

Chi phí sử dụng kim luồn của Hải Phòng cao nhất cả nước

Phó giám đốc phụ trách BHXH Nguyễn Thị Lộc cho biết: Kết quả đấu thầu VTYT năm 2017-2019 có các mức giá kim luồn khác nhau từ 4.200 đồng đến 22.000 đồng. Trong khi đó, nhiều cơ sở KCB trên địa bàn thành phố sử dụng kim luồn tĩnh mạch với mức giá khá cao từ 16.719 đồng đến 22.000 đồng/đơn vị. Thực tế cho thấy, một số loại bệnh có thể sử dụng kim luồn tĩnh mạch giá thấp hơn mà chất lượng KCB vẫn bảo đảm, ngoại trừ Bệnh viện Trẻ em sử dụng kim luồn tĩnh mạch 22 Bbraun giá cao do loại này dùng cho trẻ em vừa an toàn, đầu kim mềm nên ít gây đau. Việc sử dụng kim luồn tĩnh mạch giá cao khiến quỹ BHYT chi trả cho loại VTYT này và phần chi trả của người bệnh cũng cao hơn.

Năm 2017, BHXH thành phố chi trả 116,3 tỷ đồng tiền vật tư y tế, chiếm gần 5,8% tổng chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Chi phí này tập trung chủ yếu vào một số loại VTYT như: thủy tinh thể nhân tạo; giá đỡ; khớp, ổ khớp nhân tạo (toàn phần hoặc bán phần); bóng nong; đinh, nẹp, ốc, vít, lồng dùng trong phẫu thuật xương… Điều đáng nói, quá trình đấu thầu và chỉ định sử dụng VTYT tại các cơ sở KCB cho thấy nhiều vấn đề chưa hợp lý, là một trong những nguyên nhân gây tăng chi từ quỹ BHYT. Theo khảo sát và phân tích giá của cơ quan BHXH, 4 nhóm VTYT lớn được sử dụng nhiều tại các cơ sở KCB bao gồm: kim luồn tĩnh mạch, thủy tinh thể, giá đỡ và khớp háng nhân tạo cho thấy: cùng 1 loại VTYT nhưng lại có nhiều hãng sản xuất, nước sản xuất khác nhau, với giá dao động lớn giữa các chủng loại. Đơn cử như kim luồn tĩnh mạch chỉ có 3.000 đồng/đơn vị đối với sản phẩm của Ấn Độ; nhưng sản phẩm của Đức, Mỹ, Ma-lai-xi-a đến khoảng 15.000-16.000 đồng/đơn vị. Thậm chí cùng một loại VTYT của cùng một hãng sản xuất, giá vẫn dao động lớn giữa các hội đồng đấu thầu. Mặt khác, trong chỉ định sử dụng loại VTYT sau khi trúng thầu, mặc dù VTYT có nhiều nhà sản xuất, nhiều thông số kỹ thuật; tuy nhiên một số cơ sở KCB chỉ lựa chọn sử dụng nhiều đối với loại có giá cao.

Lựa chọn VTYT có giá thành hợp lý

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2018, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh khẳng định: Sở Y tế sẽ làm việc với các nhà thầu cung cấp VTYT, tiến hành đàm phán với các nhà thầu để có giá tốt nhất, nếu không thỏa thuận được thì tiến hành thay thế bằng loại VTYT khác, có chức năng tương đương, bảo đảm lựa chọn được dịch vụ y tế tiết kiệm chi phí, vật tư tiêu hao.

Vấn đề đặt ra đối với cơ quan BHXH hiện nay là làm sao cân đối nguồn quỹ BHYT bảo đảm chi trả VTYT một cách hợp lý, tiết kiệm nhất. Theo đó, BHXH thành phố chủ động phối hợp với ngành y tế đánh giá tình hình thực hiện dự toán, tăng cường công tác giám định, cảnh báo sớm cho các cơ sở KCB những tồn tại, vấn đề phát sinh hạn chế sự lạm dụng, chỉ định rộng rãi dịch vụ y tế, thuốc, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả quỹ KCB BHYT. Phó giám đốc phụ trách BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc cho biết: BHXH thành phố vừa có văn bản gửi Sở Y tế xem xét việc xây dựng danh mục, giá kế hoạch của các loại VTYT để đấu thầu bổ sung tại một số cơ sở KCB BHYT, hạn chế việc lãng phí, lạm dụng quỹ BHYT. Đồng thời, cơ quan BHXH đề xuất với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB lựa chọn chỉ định sử dụng VTYT phù hợp, có giá hợp lý, an toàn và quan trọng phải bảo đảm quyền lợi cho người bệnh (bởi nếu VTYT dùng trong dịch vụ kỹ thuật cao có giá càng cao so với định mức được thanh toán thì người bệnh phải nộp thêm tiền càng nhiều). Bên cạnh đó, trong quá trình đấu thầu VTYT, cơ quan BHXH tăng cường công tác kiểm tra, rà soát chặt chẽ việc đấu thầu, chú trọng ngay từ xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhà thầu, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, VTYT tại cơ sở  KCB.

Sau khi có kết quả đấu thầu VTYT, BHXH thành phố tiếp tục tiến hành so sánh giá trúng thầu của một số loại VTYT với kết quả trúng thầu của các tỉnh, thành phố lân cận, nếu thấy giá cao, không hợp lý sẽ có kiến nghị với Sở Y tế, cơ sở KCB thương thảo với nhà thầu đề nghị giảm giá, bảo đảm quyền lợi KCB BHYT tốt nhất cho người dân.

 Hoàng Xuân – Báo Hải Phòng 14/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Khắc phục bất hợp lý trong đấu thầu vật tư y tế: So sánh giá trúng thầu
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác