Print Thứ Sáu, 27/03/2020 23:28 Gốc

So sánh giữa biểu đồ dịch bệnh tại Italy và Hàn Quốc với những con số khác nhau, ông Ricciardi mô tả rằng “có một vực thẳm giữa Italy và Hàn Quốc.”

Ngày 20/3, Walter Ricciardi – cố vấn khoa học của Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza – đã có cuộc trao đổi với báo La Repubblica (Italy) về những kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) mà Italy có thể áp dụng trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh và số người tử vong tại Italy đã vượt qua cả Trung Quốc.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN).

So sánh giữa biểu đồ dịch bệnh tại Italy và Hàn Quốc với những con số khác nhau, ông Ricciardi mô tả rằng “có một vực thẳm giữa Italy và Hàn Quốc“.

Dường như Italy đang rất lo sợ rằng dịch bệnh sẽ nhấn chìm các cơ quan chính trị và hệ thống y tế của nước này. Mặc dù các biện pháp đã được triển khai thực hiện, song cho tới nay, các con số về người nhiễm bệnh và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng một cách “gây sốc“.

Ông Ricciardi nói: “Tôi đã nghiên cứu biểu đồ này trong nhiều ngày. Càng nhìn vào đó, tôi càng tin rằng chúng ta phải thực hiện theo biện pháp của Seoul. Tôi đã đề xuất thực hiện biện pháp này tại Italy và chúng tôi đã thành lập một nhóm nghiên cứu để cụ thể hóa các chi tiết“.

Biện pháp áp dụng của Hàn Quốc

Làm thế nào mà Hàn Quốc chỉ trong một vài ngày có thể hạ thấp đường cong theo cấp số nhân của biểu đồ dịch bệnh? Câu trả lời là họ đã xét nghiệm trên diện rộng, với 300.000 lượt, và tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ để theo dõi, giám sát những người bị nhiễm có triệu chứng nhẹ và những người mà họ đã tiếp xúc.

Mỗi người trong số 9.000 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đều được cơ quan y tế của Hàn Quốc theo dõi thông qua dữ liệu y tế, hệ thống định vị GPS trên điện thoại thông minh, thẻ tín dụng, camera giám sát.

Thông qua hệ thống này, những người có tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 đã được xác định và tiến hành cách ly (tại nhà hoặc bệnh viện tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và kết quả xét nghiệm). Không chỉ vậy, Hàn Quốc đã cho triển khai một ứng dụng cảnh báo những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh để những người thường xuyên tới nơi đó có thể tự nguyện xét nghiệm.

Enrico Bucci, giáo sư sinh học của trường Đại học Temple University of Philadelphia, nơi đã nghiên cứu xu hướng của dịch bệnh ở Italy trong nhiều ngày qua, cho rằng các biện pháp ngăn chặn của Hàn Quốc đã có tác dụng.

Vẫn còn kịp để áp dụng các biện pháp này tại Italy, đặc biệt là ở những khu vực miền Nam đang trải qua tình trạng tương tự như ở Hàn Quốc khi bắt đầu dịch bệnh, nơi không có quá nhiều người đến từ miền Bắc và do đó vẫn có mức độ lây nhiễm thấp.

Việc áp dụng theo cách mà Hàn Quốc đã làm, đó là: xét nghiệm trên diện rộng nhưng tập trung vào những người có nguy cơ cao nhất như nhân viên y tế, những người có nguy cơ cao liên quan đến nghề nghiệp và cuối cùng là những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh; theo dõi thông qua các công cụ công nghệ.

Thách thức từ quyền tự do cá nhân

Sự khác biệt giữa đường cong của Italy và đường cong của Hàn Quốc trong biểu đồ dịch bệnh đã được các chuyên gia chú ý.

Andrea Crisanti, nhà virus học của trường Đại học Padua và là cố vấn tình trạng khẩn cấp COVID-19 của Vùng Veneto, ngay từ đầu đã nêu lên tầm quan trọng của việc xác định các trường hợp dương tính để cách ly những người này và những người mà họ đã tiếp xúc.

Cách làm này đã được Chủ tịch vùng Veneto Luca Zaia cho phép, song biện pháp này đã buộc phải dừng lại vì sử dụng dữ liệu định vị của điện thoại thông minh, thẻ tín dụng và camera giám sát.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 19/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN).

Ông Enrico Bucci cho rằng trên thực tế, vấn đề gây trở ngại – theo luật pháp của Italy – là các quy định ngăn chặn sự xâm phạm vào đời sống riêng tư của công dân. Cần phải coi dân chủ là nền tảng, nhưng chúng ta không thể không làm gì để hạn chế các ca tử vong.

Nhà virus học Andrea Crisanti nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề rất quan trọng về quyền tự do cá nhân, và điều đó sẽ phải được nghiên cứu rất kỹ. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống cực kỳ nghiêm trọng“.

Thực tế tại Italy

Ông Walter Ricciardi khẳng định: “Việc hạn chế quyền tự do cá nhân đối với một số người có ý nghĩa mang sự tự do trở lại cho hầu hết người dân. Đó là sự thật. Bằng cách xác định sớm tất cả những người bị nhiễm bệnh và những người mà họ đã tiếp xúc, chúng tôi có thể đảm bảo không có vấn đề liên quan đến quyền tự do di chuyển của những người này“.

Trên thực tế, Hàn Quốc đã không đóng cửa các thành phố vì dịch bệnh, điều mà hầu hết các nước đang phải làm. Tác động vào quyền tự do cá nhân của công dân là một vấn đề rất nhạy cảm tại Italy. Nó cần phải được khoanh vùng trong tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh hiện nay và được đảm bảo không mở rộng sang các vấn đề khác. Điều này cần có một cấu trúc pháp lý phù hợp.

Cơ quan Bảo lãnh dữ liệu cá nhân của Italy đã từ chối bình luận về vấn đề này và chờ Bộ Y tế trình bày một kế hoạch chính thức lên Chính phủ.

Theo ông Ricciardi, một khi vấn đề về quyền tự do cá nhân được giải quyết, Bộ Y tế có thể tiến hành ngay việc giám sát bởi vì từ góc độ công nghệ, Bộ Y tế Italy đã có sẵn các công cụ cần thiết thông qua các nhà khai thác di động, ngân hàng…

Bộ Y tế Italy đang cố gắng đưa vấn đề này thành một chiến lược quốc gia và áp dụng cho vùng Lombardia. Italy khó có thể đạt được kết quả như Hàn Quốc, song Italy có thể tăng tốc trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách áp dụng các biện pháp này./.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Italy học được gì từ Hàn Quốc trong việc phòng chống COVID-19?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác